(Dân trí) – Từ ngày 1/7/2025, người lao động sẽ có cơ hội được hưởng mức lương hưu cao hơn nhờ chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Cơ hội hưởng lương hưu cao
Trước ngày 1/1/2007 (thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực), chế độ BHXH không quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tối đa. Trong thời gian đó, có nhiều người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng BHXH với mức lương cao hơn mức bình quân nhiều lần. Từ đó, dẫn đến chênh lệch lương hưu rất lớn giữa các nhóm lao động.
Theo thống kê của BHXH TPHCM vào tháng 6/2024, người lãnh lương hưu cao nhất trên địa bàn thành phố là 140 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, người có lương hưu thấp nhất vẫn chưa đạt đến 2 triệu đồng/tháng. Tức là, lương hưu cao nhất gấp 70 lần lương hưu thấp nhất.
Người lao động có cơ hội lãnh lương hưu cao hơn nếu lựa chọn tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).
Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2006 đã đặt ra quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở tại thời điểm đóng. Từ đó, chênh lệch lương hưu giữa các nhóm lao động được kéo giảm bớt.
Đồng thời, quy định mức đóng BHXH tối đa cũng hạn chế những người có lương hưu hàng trăm triệu đồng/tháng, quá cao so với mặt bằng chung.
Quy định này tiếp tục được duy trì trong Luật BHXH năm 2014. Trong Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) cũng duy trì quy định trên theo Điểm đ Khoản 1 Điều 31, chỉ thay thế lương cơ sở bằng mức tham chiếu (sẽ được Chính phủ quy định cụ thể).
Để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận lao động có thu nhập cao, mong muốn có được lương hưu cao vượt trội, Luật BHXH năm 2024 bổ sung thêm 1 chương với 4 điều quy định hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo tiến sĩ Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, một trong 14 nội dung lớn của Luật BHXH năm 2024 là bổ sung quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ, chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung
Tại Điều 124, Luật BHXH năm 2024 quy định: “Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động”.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ hoạt động theo 4 nguyên tắc chính được quy định tại Điều 125 Luật BHXH năm 2024.
Thứ nhất, mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận.
Thứ hai, khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.
Thứ ba, hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Cuối cùng, mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.
Khái niệm Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng được Luật BHXH năm 2024 làm rõ tại Điều 126.
Theo đó, Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.
Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung được Luật BHXH năm 2024 (Điều 127) quy định cụ thể tại Điều 127.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế.
Đồng thời, Nhà nước sẽ hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động tham gia.