(Dân trí) – Nhiều người lao động lo ngại mình sẽ bị thiệt thòi nếu chờ đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu, vừa hưởng được một thời gian ngắn thì qua đời.

Tại các diễn đàn trao đổi với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), nhiều người lo lắng là thời gian đóng BHXH quá dài, sợ không kịp chờ đến tuổi hưởng lương hưu thì đã qua đời, hoặc mới hưởng lương hưu được vài tháng đã chết thì rất thiệt thòi.

Cha chị Nga là một trường hợp như vậy. Ông mới nghỉ hưu được 2 năm thì đã mất. Chị hy vọng BHXH sẽ có khoản bù đắp cho thời gian đóng BHXH hơn 30 năm của ông.

Thắc mắc tại buổi giao lưu với BHXH TPHCM trong tháng 7/2024, chị Minh Thảo cũng thắc mắc về vấn đề quyền lợi của người thân nếu người đang hưởng lương hưu qua đời sớm.

Theo người lao động, chế độ hưu trí không hấp dẫn nếu người lao động đóng BHXH hơn 20 năm mà chỉ được lãnh lương hưu hằng tháng. Nếu lãnh lương hưu được vài tháng đã mất thì càng thiệt hơn.

Mới hưởng lương hưu mà qua đời thì có mất tiền BHXH đã đóng? - 1Nhiều lao động lo thiệt thòi nếu mới lãnh được vài tháng lương hưu đã qua đời (Ảnh minh họa: Hải Long).

Trả lời chị Minh Thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ BHXH của BHXH TPHCM, cho biết: “Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: trợ cấp mai táng phí; trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần”.

Theo BHXH Việt Nam, chế độ tử tuất dành cho người lao động tham gia BHXH được quy định tại Điều 66, 67, 68, 69 và 70 Luật BHXH năm 2014.

Theo đó, người đang hưởng lương hưu mà qua đời thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở. Số tiền trợ cấp này hiện nay là 23,4 triệu đồng.

Ngoài ra, 4 nhóm thân nhân của người đang hưởng lương hưu mà qua đời sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Mới hưởng lương hưu mà qua đời thì có mất tiền BHXH đã đóng? - 2


Mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Trong trường hợp thân nhân của người về hưu qua đời không thuộc 4 nhóm trên, hoặc thuộc 4 nhóm trên nhưng không muốn nhận trợ cấp tuất hằng tháng thì được nhận trợ cấp tuất một lần.

Mức hưởng trợ cấp tuất một lần này được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu của người đang hưởng lương hưu mà qua đời.

Nếu người đó qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.

Nếu người đó qua đời vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi nửa tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Căn cứ vào quy định trên, nếu người lao động mới hưởng lương hưu vài tháng mà không may qua đời thì thân nhân của họ có thể được nhận trợ cấp tuất lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ví dụ, nếu mới lãnh lương hưu được 1 tháng mà người lao động chẳng may qua đời và lương hưu đang hưởng là 10 triệu đồng thì tiền trợ cấp tuất một lần sẽ là 480 triệu đồng (48 tháng nhân 10 triệu đồng/tháng).

Trong trường hợp người về hưu đã hưởng lương hưu được 1 năm (12 tháng) mà qua đời thì trợ cấp tuất một lần được tính bằng công thức sau: 48 – ((12 – 2) x 0,5) = 43 tháng lương hưu.

Nếu lương hưu của người lao động tại thời điểm qua đời là 10 triệu đồng thì tiền trợ cấp tuất một lần sẽ là 430 triệu đồng (43 tháng nhân 10 triệu đồng/tháng).

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, chế độ hưu trí cũng không chỉ đơn thuần là lương hưu hằng tháng mà người hưu trí còn có nhiều quyền lợi khác.

Thứ nhất, lương hưu của họ không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ sẽ được Chính phủ điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.

Thứ hai, người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao.

Cụ thể, mức hưởng BHYT của người hưởng chế độ hưu trí là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, trong giai đoạn tuổi già, người lao động có nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật. Khi đó, nếu có thẻ BHYT sẽ chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình.

Đặc biệt, khi người hưởng lương hưu qua đời, thân nhân của họ được hưởng nhiều quyền lợi như liệt kê ở trên.
Mới hưởng lương hưu mà qua đời thì có mất tiền BHXH đã đóng? - 4