ANTD.VN – Sau khi thực hiện quy định mới nhất về xử phạt vi phạm giao thông, điều được nhiều người quan tâm là lãi suất chậm nộp phạt được tính ra sao, trường hợp nào không phải tính tiền chậm nộp?
Khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC nêu rõ, quá thời hạn 2 năm theo quy định mà người dân không nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp thì người vi phạm giao thông sẽ phải nộp thêm 0.05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Công thức tính tiền nộp phạt vi phạm trễ hạn hơn 2 năm như sau: Số tiền chậm nộp = Tổng số tiền phạt chưa nộp + (Tổng số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp).
Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người dân khi bị xử phạt vi phạm giao thông buộc phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày (kể cả lễ, Tết) kể từ khi nhận quyết định (trừ trường hợp quyết định xử phạt ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn ấy)
Như vậy, trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức phải nộp phạt trực tiếp hoặc vào tài khoản Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.Trường hợp thấy quyết định xử phạt không phù hợp và muốn khiếu nại, cá nhân, tổ chức vẫn buộc phải nộp phạt rồi mới được khiếu nại.
Về cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt, trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) đối với trường hợp quyết định xử phạt ghi thời hạn là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt…
Đối với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt số tiền chậm nộp tính đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền…
Cũng theo quy định hiện hành, có 2 trường hợp không phải tính tiền chậm nộp phạt vi phạm giao thông gồm: Đang trong thời gian được hoãn thi hành quyết định xử phạt hành chính; Đang trong thời gian xem xét, quyết định giảm/miễn phần còn lại hoặc cho phép được nộp phạt nhiều lần.