(Dân trí) – NSND Như Quỳnh cho phóng viên Dân trí biết, bố của bà – NSƯT Tiêu Lang – qua đời sáng 3/1 tại Hà Nội do tuổi cao, sức yếu.
Vợ chồng nghệ sĩ Tiêu Lang – Kim Xuân (ở giữa, hàng dưới) chụp cùng gia đình (Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo).
Lễ viếng NSƯT Tiêu Lang diễn ra lúc 7h30 sáng 7/1, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 8h45 cùng ngày.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo – chồng của NSND Như Quỳnh – cũng chia sẻ tin buồn này với phóng viên: “Ngày 3/1 vừa qua, ông chợp mắt mấy tiếng đồng hồ rồi vĩnh biệt con cháu, da dẻ còn hồng hào, chỉ có hơi thở là yếu dần mà thôi. Ông mất đi để lại cho con cháu cùng các dâu rể nỗi thương nhớ khôn nguôi.
Cuộc sống và nhân cách bình dị của hai nghệ sĩ Tiêu Lang và Kim Xuân (nghệ sĩ cải lương Kim Xuân – vợ của NSƯT Tiêu Lang – PV) là tấm gương lớn cho con cháu, tạo nên một gia đình có truyền thống văn hóa. Con cái báo hiếu, chăm sóc ông đến hơi thở cuối cùng”, con rể ông Tiêu Lang bày tỏ.
NSƯT Tiêu Lang (Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo).
NSƯT Tiêu Lang tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1929 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là em ruột của nghệ sĩ cải lương Kim Chung – chủ rạp hát cải lương lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ (rạp Kim Chung về sau đổi tên là rạp Tiếng Chuông Vàng Thủ đô).
Thời trẻ, nghệ sĩ Tiêu Lang khôi ngô, tuấn tú, thường đệm đàn cho các buổi diễn. Sau thời gian làm việc chung, nghệ sĩ Tiêu Lang kết đôi với nghệ sĩ cải lương Kim Xuân.
Vở diễn chung đầu tiên của hai người là Hận tương giao (NSND Đào Mộng Long). Kim Xuân – Tiêu Lang đóng Mỵ Nương và Trương Chi. Từ đó, cặp đôi gắn liền với những số phận nổi tiếng trong những vở ca kịch như: Đời cô Lựu, Trinh nữ Xuân Hương, Nàng tiên mẫu đơn…
Về sau, hai người kết hôn và là cặp vợ chồng đảm đương hầu hết vai chính trong những vở diễn thành công của rạp Kim Chung.
Sau này, đoàn Kim Chung đổi tên thành Đoàn nghệ thuật cải lương Chuông Vàng. Cặp nghệ sĩ Kim Xuân – Tiêu Lang cùng các thành viên còn lại ở Hà Nội duy trì hoạt động của đoàn. Đoàn Chuông Vàng luôn là cái tên ăn khách nhất ở Thủ đô. Rạp nào có đoàn Chuông Vàng biểu diễn là khán giả lại chen chúc xếp hàng mua vé.
Riêng NSƯT Tiêu Lang được những người mến mộ biết đến trong những vai như: Kim Trọng trong Kiều, Dư Bình trong Dệt gấm, Võ Nguyên Giáp ở Người công dân số một, Trần Khánh Dư của Khuôn mặt đời Trần và nhiều vai diễn quan trọng khác.
Trong chiến tranh chống Mỹ, ông cũng phục vụ văn nghệ trong tuyến lửa Quảng Trị. Ông từng công tác tại Đoàn cải lương Nam bộ, Nhà hát Cải lương Trung ương (đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật 1 của nhà hát) và Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam.
NSƯT Tiêu Lang được tặng thưởng nhiều huy chương trong những hội diễn văn nghệ và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Ông có 3 người con thành đạt gồm: Nghệ sĩ xiếc Tiến Dũng, 2 con gái là NSND Như Quỳnh và Như Hoa – Thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh. Trong đó, NSND Như Quỳnh nổi tiếng với những bộ phim: Bài ca ra trận, Đến hẹn lại lên, Hy vọng cuối cùng, Hà Nội mùa chim làm tổ…