Không tìm được tiếng nói chung, 9 chị em, trong đó có người đã hơn 70 tuổi, chia thành hai phe (nguyên đơn và bị đơn) đưa nhau ra tòa tranh chấp di sản thừa kế là mảnh đất tổng diện tích 6.377m2.

Cha già lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho con trai, con gái đứng tên  trên sổ đỏ nhưng không được 1 xu: Tòa án đưa ra phán quyết

9 chị em ruột mà lại chia 2 phe ra tòa đòi thừa kế- Ảnh 1.
Cuối tháng 2 vừa qua, TAND huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự chia di sản thừa kế. Đồng nguyên đơn là tám chị em ruột do bà Q.T.T. (71 tuổi) đại diện khởi kiện, bị đơn là ông Q.V.H. (68 tuổi) – con trai trưởng và là con thứ ba trong gia đình.

Vụ án được TAND huyện thụ lý từ năm 2021, qua nhiều lần hòa giải nhưng các đương sự không tìm được tiếng nói chung, vẫn quyết đưa nhau ra tòa.

8 chị em tố “trai trưởng”

Nội dung đơn khởi kiện thể hiện cha mẹ sinh được chín người con gồm hai trai, bảy gái. Trong đó bà T. là chị cả, ông H. là con thứ ba.

Năm 2001, người cha mất. Đến cuối năm 2015, người mẹ mất nhưng không để lại di chúc.

Số tài sản bà để lại gồm hơn 230 triệu đồng, một căn nhà và năm thửa đất – tổng diện tích 6.377m2, trong đó 360m2 là đất ở, hơn 6.000m2 là đất trồng cây lâu năm – đều đứng tên mẹ.

Theo đơn kiện, năm 2018 các anh chị em thống nhất đóng góp tài sản để xây dựng lại căn nhà cấp 4 đã xuống cấp làm nơi sum họp và thờ cúng cha mẹ. Các chi phí xây dựng và hoàn thiện căn nhà hơn 900 triệu đồng. Ngoài tiền mặt bố mẹ để lại, bảy người con gái góp mỗi suất 80 triệu đồng, con trai út góp 600 triệu đồng.

Nguyên đơn cho rằng trưởng nam là ông H. “không có sự đóng góp về tài sản và công sức” trong việc xây dựng ngôi nhà. Tuy nhiên, từ tháng 2-2021, ông này từ Hà Nội về cố tình chiếm hữu và sử dụng các tài sản do mẹ để lại và đuổi hết mọi người không cho ai vào nhà, dẫn đến tranh chấp với các chị em trong nhà.

Trong đơn kiện, bà T. cho biết “hiện nay toàn bộ tài sản mẹ để lại và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị ông H. chiếm hữu, quản lý, sử dụng”. Từ đó, bà T. đề nghị tòa phân chia tài sản này theo pháp luật và mong muốn nhận phần di sản thừa kế bằng hiện vật.

Bất bình vì bị chị em vu khống, chia bè phái

Nói với Tuổi Trẻ, ông Q.V.H. (bị đơn) khẳng định các chị em trong nhà đã cố tình vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự, xúc phạm mình. Ông cho hay khi còn sống, bố mẹ ông thường xuyên tuyên bố: “Dinh cơ này để lại cho anh H. con trai trưởng, có trách nhiệm hương hỏa thờ cúng các cụ”.

Theo truyền thống địa phương và gia đình, con gái đi lấy chồng không được có quyền đòi chia tài sản với các anh em trai trong nhà. Ông H. khẳng định mình là người hiểu pháp luật, không lấy phần hơn, không tiếc chị em gái cái gì. Cho nên khi xảy ra tranh chấp, ông đã tổ chức họp gia đình để chia tài sản.

Với thửa đất hơn 4.650m2, nơi có căn nhà và 360m2 đất thổ cư, ông chia đôi cho mình và em trai út. Các thửa đất bờ bãi còn lại chia đều cho bảy chị em gái đã theo chồng và họ đồng ý bán hết lại cho ông với giá 70 triệu đồng (chia mỗi người 10 triệu đồng – PV). Còn hai thửa ruộng của cha mẹ, ông H. hưởng để lo hương hỏa.

“Tất cả mọi người đều nhất trí và đã nộp lại chứng minh thư, các sổ đỏ, hộ khẩu… để tôi đi làm thủ tục sang tên, đổi chủ, chia đất. Tuy nhiên mấy ngày sau, các chị em kia đổi giọng, không muốn chia như thế nên đã gửi đơn kiện ra tòa, yêu cầu phân chia mảnh đất thành chín phần”, ông H. nói.

Bị đơn cho hay hoàn toàn nhất trí phân chia tài sản thừa kế, nhưng bất bình với việc bị các chị em gái vu khống, bôi nhọ nhân phẩm, uy tín, đạo đức của mình. Đồng thời, các chị em gái đã chia bè kết phái làm mất tình cảm anh em trong nhà.

Trước việc bị tố không đóng góp gì nhưng vẫn từ Hà Nội về quê chiếm đất tổ tiên, ông H. nói giỗ chạp lễ Tết vẫn về thờ cúng tại ngôi nhà của cha mẹ. Việc khi già yếu, ông về quê sinh sống và ở tại ngôi nhà này là đương nhiên. Ông cho rằng các chị em gái xâm phạm tài sản khi tranh thủ lúc ông không có nhà đã thuê máy xúc phá hủy toàn bộ khuôn viên.

“Bà T. bịa đặt, vu khống tôi đuổi mọi người không cho ai vào nhà, chiếm hữu các tài sản khác của bố mẹ để lại là sai sự thật. Chính bà T. tự lôi kéo bè phái, xúi giục và cấm cản mọi người không được đi về nơi thờ tự bố mẹ”, ông H. khẳng định.

Ông H. còn cáo buộc những người này bán vườn bạch đàn được trồng lâu năm và 245 cây sưa đỏ ông thuê trồng từ năm 2008, gây thiệt hại gần 1 tỉ đồng, và bán cả năm thửa ruộng cha mẹ để lại.

Ông H. cho biết từ thời trai trẻ đi làm đến lúc về hưu mở công ty, ông luôn tận tình chăm lo, giúp đỡ các chị em trong nhà. Ông còn tuyển dụng chị em, con cháu vào công ty để họ có công ăn việc làm. “Từ lúc biết các chị em trong nhà kiện nhau ra tòa, tôi suy nghĩ nhiều, mất ngủ, tinh thần sa sút, tiếc công tiếc của, tiếc lòng tốt của mình đối với đại gia đình”, ông H. bộc bạch.

Trước khi phiên tòa được mở, ông H. làm đơn đề nghị thay đổi thẩm phán vì cho rằng không đảm bảo khách quan. Tòa bác do ông không đưa ra được bằng chứng. Ông tiếp tục khiếu nại.

Trong phiên tòa mở ngày 23-2 vừa qua, do vắng một luật sư của bị đơn và do tòa chưa có văn bản trả lời khiếu nại của bị đơn về yêu cầu đổi thẩm phán nên ông H. đề nghị hoãn phiên tòa. Đề nghị này của ông H. được hội đồng xét xử chấp thuận. Phiên tòa sẽ mở lại vào ngày khác.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần rõ ràng tài sản thừa kế để anh em không kéo nhau ra tòa

Thực tế trong những năm gần đây, việc anh chị em ruột kiện nhau ra tòa để chia tài sản sau khi cha mẹ qua đời rất phổ biến. Cũng vì tài sản này mà anh em “giọt máu xẻ đôi” bèn quay lưng từ mặt nhau.

Làm luật sư, tôi cũng đã tư vấn cho nhiều gia đình để lập di chúc ngay khi còn khỏe mạnh, minh mẫn và thậm chí công bố di chúc đó cho các con biết. Nhờ có di chúc hợp pháp này mà ngay sau khi cha mẹ mất, các con tuân theo di chúc mà làm, không phải kiện cáo tranh giành.

Nhưng đó là ở thành phố, điều kiện tiếp xúc với pháp luật cũng thuận tiện. Còn rất nhiều gia đình ở nông thôn có gia sản từ đời ông bà để lại, cứ lần lượt chuyển từ đời trước sang đời sau theo thông lệ, ai ở lại trên đất của ông bà thì tài sản thuộc về người đó. Cha mẹ già cũng không nghĩ đến việc phải rạch ròi, rõ ràng về tài sản để các con khỏi phải tị nạnh nhau.

Nhiều gia đình vốn rất hòa thuận, yêu thương nhau khi cha mẹ còn sống. Khi cha mẹ mất đi, con cái tan đàn xẻ nghé vì tài sản.

Một trong những nguyên nhân chính đó là cha mẹ không để lại di chúc hoặc không chia tài sản cho các con trước khi qua đời hoặc chia không công bằng, đứa thương đứa ghét hoặc cứ làm theo thông lệ, hoặc chỉ để tài sản cho con trai. Tuy nhiên chỉ tuyên bố bằng miệng khiến các con gái đòi chia tài sản.

Ở nhiều vùng quê, ăn sâu vào đầu cha mẹ tư tưởng phong kiến: con gái là con người ta, đi lấy chồng phục vụ gia đình nhà chồng, vậy nên hưởng tài sản của nhà chồng. Còn của cải ông bà là để cho con trai và con dâu.

Khi ông bà ốm đau, con gái còn lo nhà chồng không chăm sóc cha mẹ được mà chỉ có con dâu chăm sóc. Cũng có gia đình vì chuyện này mà con gái giận, buồn, anh chị em bỗng không còn vui vẻ với nhau như trước, nhất là con gái lấy chồng mà kinh tế chật vật khó khăn.

Qua tư vấn, có gia đình ông bà gần 90 tuổi, con đông, nhiều trai ít gái. Các con lấy chồng lấy vợ ông bà đều chia ruộng, chia đất hoặc cho tiền, làm nhà cho ở riêng. Nay còn mảnh vườn các cụ để lại, lại rơi vào vị trí đẹp, mặt đường mới mở nên các con tranh giành nhau, đòi chia sân chia vườn ngay từ khi bố mẹ còn khỏe.

Ông bà buồn quá sinh bệnh rồi gọi xã đến lập thành văn bản nhà này đất này chỉ để thờ cúng không chia cho đứa con nào. Mấy đứa con vì vậy mà giận luôn cha mẹ, có đứa mẹ bệnh cả năm không về.

Pháp luật dân sự quy định rất rõ về thừa kế, chia thừa kế. Ở thành phố có thể đến phòng công chứng hoặc luật sư để tư vấn thủ tục lập di chúc. Còn ở nông thôn, dịch vụ đó không có thì người dân có thể đến ủy ban xã để hỏi về thủ tục lập di chúc.

Và để có được bản di chúc thấu tình đạt lý, nhiều gia đình gọi các con về bàn về việc phân chia tài sản sau khi cha mẹ mất, rồi mời chính quyền lập thành văn bản có người làm chứng.

Tài sản của cha mẹ để lại có khi ít mà lại vui vẻ hạnh phúc, có khi nhiều mà lại tranh chấp đau lòng. Nhiều người do hiểu biết hơn đã lén làm di chúc rồi đưa cho cha mẹ ký khi không được tỉnh táo hoặc hoàn toàn không hiểu gì về nội dung. Khi cha mẹ mất, một cuộc chiến pháp lý nổ ra. Hoặc có người còn làm giả di chúc, rồi có người vướng vào lao lý vì chút tài sản vốn không phải của mình làm ra.