Từ năm 35 tuổi, diễn viên Ngọc Lan đã lập di chúc. Chia sẻ về lí do, nữ diễn viên cho biết: “Năm 2020, tôi bị bệnh, cấp cứu 2 lần nên tôi phải làm di chúc. Tôi sợ lắm khi nghĩ đến cảnh con mình không ai nuôi. Tôi muốn làm di chúc rõ ràng vì cuộc sống này khắc nghiệt lắm, mình không biết được ngày mai mình thế nào”.

Thông tin này từng khiến nhiều khán giả bất ngờ. Trước đó, một số sao Việt như ca sĩ Quách Thành Danh, Lâm Khánh Chi, Bình Phương (vợ cố diễn viên Đức Tiến) cũng tiết lộ về di chúc để gia đình thừa kế tài sản.

Trên thế giới, nhiều nghệ sĩ trẻ cũng lập di chúc sớm, như diễn viên Choi Seong Won lập di chúc ở tuổi 37 sau nhiều năm điều trị bệnh bạch cầu cấp tính, Trác Thái Nghiên lập di chúc phân chia tài sản cho các thành viên trong gia đình.

Choi Seong Won cho biết, anh đã lập di chúc vì lo lắng chuyện xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong đó có một mong muốn nếu không may có điều bất trắc – gia đình, bạn bè sẽ thay anh thực hiện.

Với tâm lý lo xa, Trác Thái Nghiên đã lập di chúc ở tuổi 40 để đề phòng bất trắc. “Tôi thường nghĩ đến những điều tốt đẹp và cả những điều tồi tệ. Mẹ đã dạy tôi như thế”, nữ ca sĩ nói.

Ở Trung Quốc, số lượng người dưới 35, thậm chí dưới 30 đăng ký lập di chúc ngày một tăng. Người phụ trách Ngân hàng Di chúc Trung Quốc nhận định: “Độ tuổi tốt nhất để lập di chúc là khoảng 30.

Đây là thời điểm mọi người thường vừa có một chút thành quả trong công việc, hoặc vừa lập gia đình, quan hệ giữa bạn đời và bố mẹ chưa thật sự khăng khít. Nếu chẳng may bạn ra đi trước, họ rất có thể sẽ tranh chấp tài sản nên cần có sự sắp xếp trước”.

Dù vậy, vẫn còn những quan điểm trái chiều xoay quanh việc lập di chúc sớm. Bởi lẽ, một số quan niệm tâm linh cho rằng lập di chúc mang lại “điềm gở”, và hành động này thường được thực hiện vào cuối đời.

Theo báo cáo của Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc, độ tuổi trung bình của các cá nhân soạn thảo di chúc đã giảm từ 77,43 tuổi vào năm 2018 xuống còn 67,82 tuổi vào năm 2023.

Có nhiều lý do để người dưới 40 lập di chúc như mắc bệnh hiểm nghèo, lo lắng người thân tranh chấp tài sản, sợ những tai nạn bất ngờ…

Việc nhiều người trẻ ở xứ tỉ dân lập di chúc từ sớm là dấu hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy, thế hệ trẻ có ý thức lớn trong việc bảo vệ tài sản, tránh tranh chấp.

Những người ủng hộ việc lập di chúc sớm cho rằng, đó là hành động nên làm để có sự chuẩn bị cho người thân trong trường hợp bất chắc, bởi “tương lai và tai nạn, không biết cái nào đến trước”.

Tiến sĩ tâm lý Trương Khả Tiến cho rằng việc ngày càng nhiều người trẻ lập di chúc cho thấy sự lo âu xã hội.

Thế hệ trẻ sống trong thời đại công nghệ thông tin, tiếp cận với nhiều luồng thông tin cả tích cực và tiêu cực, khiến họ luôn có cảm giác mọi thứ đang diễn ra ngay xung quanh mình và xuất hiện nỗi bất an.

“Dần dần, mọi người tự nhủ rằng, một ngày nào đó họ có thể sẽ gặp phải những sự cố như vậy và trở nên lo lắng, thậm chí lo âu về cái chết”, chuyên gia nhận định.