20.000 vé concert 1 tại TPHCM và 20.000 vé concert 2 ở Hà Nội chương trình ‘’Anh trai vượt ngàn chông gai’’ đã hết sạch ngay trong ngày đầu tiên mở bán, một kỷ lục mơ ước trong thời buổi khán giả lâu nay chỉ thích nghe nhạc chùa. Anh có bất ngờ vì ”cơn sốt” của gameshow này? Anh được gì và phải vượt qua những khó khăn nào khi nhận lời tham gia chương trình?

Mỗi người có sự lựa chọn và con đường riêng bạn ạ. Người chọn là nghệ sĩ, người làm khán giả. Nếu người nghệ sĩ luôn làm việc với trách nhiệm, nhiệt huyết tạo ra những tiết mục, sản phẩm có giá trị và khán giả nâng niu cống hiến của họ thì sẽ tạo nên sự cộng hưởng rung động trái tim và cùng ngân lên giai điệu đẹp cho cuộc đời.

Khi nhận lời mời từ gameshow này tôi hỏi ý kiến vợ con, mọi người bảo không thi được đâu vì chương trình này rất khó, phải tập luyện hàng tháng. Nghe vợ con nói thế trong tôi có chút “cay cú”, chả lẽ mấy chục năm làm nghề mình lại không vượt qua được thử thách này nên quyết tâm nhận lời.

Ngày 15/5 ghi hình tập đầu tiên tôi mới đặt bút ký hợp đồng. Tôi đến sân chơi này chẳng chuẩn bị gì, gặp gỡ mọi người đầy hứng khởi, vô tư. Mọi thứ hoàn toàn tự nhiên và chúng tôi như những anh em gặp nhau, không cần rón rén, lễ nghi.

q1_Long.jpgTôi và nhiều người không thể ngờ được NSND Tự Long khi chung sân khấu với những bạn trẻ kém mình trên dưới 20 tuổi như Soobin Hoàng Sơn, Thanh Duy idol lại không hề ”lép vế”. Thật sự anh không gặp khó khăn nào và mọi thứ đều suôn sẻ ở sân chơi này sao?

Khó khăn duy nhất với tôi là thời gian, địa điểm. Tôi là người của nhà nước, 32 người kia của nước nhà. (cười). Họ ở trong TPHCM là chủ yếu nên có thể tập bất cứ lúc nào. Còn tôi, tối thứ 6 bay vào TPHCM tập đến đêm. Hôm sau tập từ chiều đến đêm để tối Chủ nhật bay ra Hà Nội chuyến cuối cùng. Sáng thứ 2 tôi lại lên Nhà hát Chèo Quân đội làm việc bình thường. Cứ như vậy đều đặn mấy tháng trời.

Có một điều phải nói với bạn rằng hình ảnh của tôi đến cuộc thi này không phải là người không có gì. Tôi là một NSND, phải sống thế nào, hoạt động ra sao để đúng với tư cách, tầm cỡ của một nghệ sĩ tên tuổi chứ không phải vào chương trình một cách bạt mạng, bừa phứa. Tôi luôn nghiêm túc ở chỗ thường xuyên nói với biên đạo “Còn gì khó hơn không, cho anh nhảy thêm đi” hoặc “Cho anh hát câu này, anh thèm được hát câu ấy”.

Ban đầu trong 33 anh tài, tôi chỉ biết vài người. Thậm chí không biết Soobin, Cường Seven là ai vì câu chuyện âm nhạc của các bạn đang phát triển, còn tôi làm nghề 25 năm rồi. Loại hình nghệ thuật khác nhau, đường đời không va vấp, gu âm nhạc một cái bảo tồn còn một bên luôn chảy theo thời đại. Nhưng phải thú thật rằng cuộc thi này có cái hay là cho những thế hệ, con người tưởng chừng không bao giờ làm việc lại gặp nhau.

Cái khó của tôi là làm thế nào để một nghệ sĩ 51 tuổi có thể theo được các nghệ sĩ 30 – 40 tuổi, hoà đồng với họ trong cuộc sống, âm nhạc, phối hợp luyện tập để cùng đi đến cái kết tốt đẹp. Muốn thế tôi phải thay đổi hàng ngày, từng công diễn và học cách dung hoà để các bạn không thấy mình già cỗi. Tôi không muốn là gánh nặng nên luôn động viên và mong họ chấp nhận những sáng tạo của mình…

Cụ thể là những sáng tạo gì, thưa anh?

Đầu tiên là về Nhà Sao Sáng cùng Soobin và Cường Seven, tôi bằng kinh nghiệm và tâm huyết của mình thuyết phục các bạn lấy bài Trống cơm. Lúc làm bài này không ai nghĩ có thể lại viral như thế. Chúng tôi quay 29/5, lịch phát sóng là 19/7 nhưng bị dời một tuần do quốc tang. Khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi, mọi người lại tìm về câu: “Văn hóa là bản sắc, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc” và trân quý hơn giá trị bài Trống cơm.

Mốc thứ hai là đấu giá bài Chiếc khăn piêu, Thanh Duy, Jun Phạm và Soobin rất thích bài Mưa trên phố Huế. Tôi lại muốn lấy bài Chiếc khăn piêu, nhưng mọi người bảo bài này có nhiều ca sĩ hát hay rồi chọn sẽ khó cho cả người làm và người thể hiện. Ca khúc này từ xưa đến nay giống câu chuyện của tình yêu đôi lứa, nhưng bây giờ tôi muốn 8 người trong Nhà Cá Lớn là 8 chiến sĩ biên phòng, bảo vệ dải đất biên cương. Để bảo vệ được, họ phải có điểm tựa tinh thần, là tình mẹ, tình đồng đội và chiếc khăn piêu là tín vật đại diện cho tình yêu đó. Mọi người thấy thuyết phục và đã chọn Chiếc khăn piêu. Tôi phải thuyết phục mọi người mặc quần áo bộ đội, phải chính là những chiến sĩ mới có tình yêu lớn hơn tình cảm đôi lứa, đó là tình yêu đất nước, giữa quân và dân.

Có kỷ niệm hơi buồn là 6 anh lính nhảy cùng các cô gái bản, Jun Phạm và Thanh Duy quyết định đu dây thể hiện không khí lễ hội ném còn trên bản. Thanh Duy tập nhiều đến lúc diễn không co được tay, tôi nhảy đằng trước, cả hai đầu gối của Thanh Duy húc vào lưng khiến tôi ngã cắm đầu, mũ, kèn bay mỗi nơi một chỗ. Diễn xong, Thanh Duy là người khóc nhiều nhất vì sợ tôi bị làm sao.q2_Long.jpg

Câu chuyện về tình yêu và lương tâm khán giả dành cho văn hóa truyền thống có vẻ như ngày càng mong manh và dễ thất lạc trong cuộc sống hỗn loạn này. Khi anh cùng các ca sĩ trẻ thực hiện làm mới các ca khúc cũ – khoác cho nó một diện mạo mới chẳng khác gì việc làm thức tỉnh mọi người hãy yêu văn hóa truyền thống hơn và đừng quên những điều tưởng rằng xưa cũ?

Trong câu chuyện làm về văn hóa, không ai nghĩ mình phải đưa văn hóa vào thế nào hay phát triển ra sao. Nghệ thuật bản thân là văn hóa rồi, làm hay không thì nó vẫn tồn tại. Ở cuộc chơi này, mọi người đều dùng khung âm nhạc định sẵn là nhạc điện tử. Chương trình cũng có sẵn các bài hát cho từng công diễn.

Bài toán dành cho tôi và mọi người là làm thế nào để mình phải thích ca khúc ấy và sáng tạo ra sao để có dấu ấn riêng. Trong chương trình các bạn luôn tính yếu tố giải trí nhiều hơn, phần nghe phải hay, phần nhìn phải bắt mắt, luôn có concept với nhiều nội dung, ý tưởng. Tôi là người có trải nghiệm, bằng tư tưởng của một Đại tá đã có 25 năm công tác trong quân đội, tôi thuyết phục thế nào để các bạn thấy được giá trị của văn hóa, nét truyền thống.

Tôi luôn nói với mọi người chương trình phát sóng trên 54 dân tộc và 63 tỉnh thành, các em phải để công, nông, sĩ, thương, mọi giới nhìn tác phẩm của mình thấy ý nghĩa, đáng yêu và có hơi thở của cuộc sống, tương lai chứ không chỉ thuyết phục 350 khán giả ở trường quay.

Tôi rất tự tin vì trong chương trình đã đóng góp, chia sẻ để các bạn hiểu thêm những chân giá trị. Ngày xưa làm bài hát đơn giản, bởi lời ca khúc gần gũi thế hệ trước đôi khi chỉ cần đứng hát cũng ra tinh thần còn bây giờ kết hợp công nghệ, kỹ thuật hiện đại, các bạn có thể làm cho ca khúc linh thiêng, hùng tráng hơn.

– Sau chương trình, lượt khán giả theo dõi và yêu mến anh trên mạng xã hội nhiều hơn. Rõ ràng là anh đắt show và cát-sê cũng tăng?

Sau chương trình, lượt người yêu thích nhiều hơn, tôi cũng có FC riêng. Ở đây không phải câu chuyện nhiều show hay cát-sê cao hơn mà mọi người ghi nhận sự truyền cảm hứng của tôi với chương trình và 32 anh tài, đồng thời lan tỏa đến các bạn trẻ bây giờ. Các bạn bình luận, tâm sự đến với chương trình để xem chúng tôi làm gì nhưng ”không ngờ các chú, các anh cho chúng cháu hiểu và yêu hơn văn hóa Việt Nam, nghệ thuật truyền thống”.

Không chỉ những bạn trẻ Việt Nam mà các du học sinh, khán giả ở nhiều quốc gia gửi thư, chia sẻ sau khi xem show. Họ cảm nhận sau Táo quân lại có một chương trình mang lại sự gắn kết của những thành viên trong gia đình. Đây không phải sự hưởng ứng tức thời mà là bằng trái tim, sự cảm phục.

– Cụ thể những món quà mà anh nhận được là gì?

Riêng thư phải xếp hàng chồng, toàn bày tỏ tình cảm, người ta chỉ góp ý là nếu có concert phải tổ chức ở nhiều địa phương hơn. Có những du học sinh ở nước ngoài hỏi lịch concert để đặt vé về xem trực tiếp, cổ vũ các nghệ sĩ. Dù chương trình đã ngừng phát sóng, dư âm của nó vẫn còn.

Lúc này mọi người đang tìm về những gì mà Tự Long làm từ ngày đầu tiên, làm áo có in câu nói của tôi là: ”Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới”. Khi mọi người đào lại những câu chuyện đã qua để thấy giá trị ở đây không phải từ một chương trình, bài hát mà là ở gốc rễ sâu xa của nó. Trên bàn làm việc của tôi có nhiều hình ảnh xúc động, các bức thư với những lời lẽ hay, cảm động mà khán giả gửi về.