heo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 18h ngày 5/9, vị trí tâm bão Yagi (bão số 3) ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 373 km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184 – 201km/h), giật trên cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/h.

Dự báo từ đêm 6/9 và gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Trong đó, thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến tối ngày 07/9.

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9. Phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9).

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 3 – Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Theo thông tin từ BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai, từ đêm 06/9 đến sáng 09/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 07/9 đến đêm 08/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do mức độ nguy hiểm của bão số 3, BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai chiều ngày 5/9 đề nghị người dân lưu ý không nên chủ quan. Trong đó, BCĐ khuyến cáo người dân cần chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng trong ít nhất 7 ngày. cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; Gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản…

Với những ngư dân trên biển cần đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, nhất là người dân trên các đảo.

Người dân cũng nên lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

“Với cường độ bão và gió giật như vậy, tôi rất lo lắng”

Cũng trong chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về diễn biến cơn bão số 3 (Yagi), công tác chuẩn bị ứng phó tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay từ nay đến khi bão đổ bộ chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị. Do vậy chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng ngừa rủi ro để không hối tiếc.

“Với cường độ bão và gió giật như vậy, tôi rất lo lắng. Nếu không có phương án kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều. Chúng ta phải đặt ra các tình huống, kịch bản từ bây giờ, không chờ công điện nữa mà các địa phương cần chủ động. Hi vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong ngày mai (6/9), Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về các tỉnh kiểm tra các nơi xung yếu, đơn cử như Quảng Ninh có nhiều hầm lò khai thác than, dễ bị ảnh hưởng từ các trận mưa kéo dài.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bản tin, thông tin dự báo bão phải cụ thể, dễ hiểu, đơn giản – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương triển khai tất cả các biện pháp, nhất là 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc sát sao, thực hiện nghiêm theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động.

Với vùng hoàn lưu rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương phải chuẩn bị ứng phó với mưa lớn sau bão, tình trạng ngập lụt tại các đô thị, khu dân cư, nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp di dời người dân ở khu vực xung yếu, còn ở trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các tàu thuyền neo đậu ven bờ, khách du lịch hiện còn ở trên các đảo ven bờ.

Cũng trong cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng chức năng nỗ lực giảm thiểu số du khách còn lưu trú tại các đảo ven bờ khi bão đổ bộ, sơ tán người dân ở trên lồng bè, tàu thuyền neo đậu tại bờ.