Tự tử sau 25 ngày làm dâu xứ người

Chị Trần Thị Lan (SN 1986, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) có hoàn cảnh bất hạnh từ khi còn trong bụng mẹ. Ngày đó, khi bà Huỳnh Kim Anh (mẹ chị Lan) đang mang thai chị thì gia đình đổ vỡ, cha chị đi theo người phụ nữ khác. Bà Kim Anh phải ở nhờ trong căn nhà chật hẹp của người em để chờ ngày sinh nở.

Lan ra đời trong điều kiện gia đình khó khăn, nên cố gắng lắm bà Kim Anh cũng chỉ lo cho con gái học đến lớp 6 rồi phải nghỉ để đi bán bánh dạo kiếm sống qua ngày. Hàng ngày, Lan thường quẩy giỏ bánh bò, bánh bông lan đi khắp các nẻo đường để kiếm từng đồng. Với khoản thu nhập ít ỏi đó, hai mẹ con Lan tằn thiện sống qua ngày.

22 tuổi, Lan nghe mấy đứa bạn cùng xóm rủ lên TP.HCM chờ tuyển chọn lấy chồng Hàn Quốc “đổi đời”, Lan xin đi theo với mong muốn kiếm tiền mua đất cất cho mẹ căn nhà, sửa lại căn nhà cho ngoại. Không muốn xa con, bà Kim Anh ngăn cản, Lan nói: “Không lẽ suốt đời cứ sống như thế này, mẹ cho con đi, nếu may mắn được lấy chồng Hàn, con sẽ về mua đất cho mẹ xây nhà, sẽ gửi tiền về nuôi mẹ”. Và rồi bà Kim Anh cũng đành đồng ý.

Cuốn nhật ký đầy nước mắt của cô gái tự tử sau 25 ngày lấy chồng ngoại quốc - Ảnh 1.

Ảnh cưới của Lan và người chồng Hàn Quốc lớn hơn 15 tuổi

Sau hơn hai tháng, qua nhiều vòng tuyển chọn, không được chàng trai nào để ý, Lan buồn chán muốn bỏ về không đi nữa, nhưng ngặt nỗi không có tiền trả nợ cho môi giới, rồi nghĩ tới hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên đành phải tiếp tục cầu may. Không biết đến vòng tuyển chọn thứ mấy thì “vận may” đã đến với Lan. Người đàn ông tên Ha Jang Su (hơn Lan 15 tuổi) đã gật đầu và hôn lễ của họ được tổ chức ngay sau đó.

Bà Kim Anh vẫn còn nhớ, ngày đám cưới, gia đình bên chồng yêu cầu gia đình nhà gái chỉ được 10 người đến dự tại nhà hàng. Không lễ đón dâu nhưng thương con, bà gạt nước mắt đi bởi nghĩ con đã yên bề gia thất. Sau đám cưới, người môi giới đưa bà một phong bì hơn 3 triệu đồng. Về đến quê, trừ chi phí thuê xe bà còn 2 triệu đồng. Sau lễ cưới, chàng rể quay về Hàn Quốc làm thủ tục đón vợ. Ngày 12/1/2008, bà Kim Anh lại chạy đôn chạy đáo mượn tiền đưa con ra sân bay, mua quà cho nhà trai. Bà đâu ngờ rằng, đó là lần cuối cùng bà được gặp con gái.

Bà Kim Anh kể, từ ngày theo chồng sang Hàn Quốc, Lan điện thoại về nhà được 2 lần. Lần thứ nhất, cô gái đến sân bay đã gọi điện cho mẹ báo tin là chồng ra đón. Ngày 2/2/2008, sau hơn 20 ngày chờ đợi, người mẹ mới nhận được điện thoại của con. Đầu dây bên kia, Lan vừa kể chuyện cuộc sống mới vừa khóc sụt sùi. Bốn ngày sau đó (đúng vào đêm 30 tết Mậu Thân) gia đình nhận được điện thoại từ người môi giới ở TP.HCM báo tin Lan đã nhảy từ lầu 14 tự vẫn tại Hàn Quốc.

Sau khi Lan qua đời, người môi giới cho biết, nếu muốn đem thi thể Lan về Việt Nam thì người ta sẽ lo từ Hàn Quốc về đến TP.HCM, còn từ TP.HCM về nhà thì gia đình lo nhưng phải mổ lấy nội tạng ra. Còn đem hỏa táng thì người ta cũng sẽ lo một phần chi phí. Bà Kim Anh đã đồng ý cho thiêu lấy tro cốt.

Ba tuần sau, trong khi bà Kim Anh nằm liệt giường chưa ngồi dậy nổi thì có một cuộc điện thoại từ trạm xe khách bảo bà mang giấy chứng minh ra nhận hàng. “Món hàng” mà nhà xe nói với bà đó là số tiền 48 triệu đồng và một hộp gỗ chứa tro cốt của Lan, được gửi từ lãnh sự quán Hàn Quốc.

Sau khi sức khỏe bình phục, bà Kim Anh quyết định sang Hàn Quốc để tìm hiểu sự thật về cái chết của con. Trong những vật chứng mà cảnh sát Hàn Quốc trao lại cho bà, có một quyển nhật ký của Lan ghi lại 25 ngày làm dâu trong nước mắt, thường xuyên bị nhà chồng hắt hủi và đe dọa. Cõi lòng người mẹ càng tan nát hơn…

Những dòng nhật ký đầy nước mắt

Ngày 17/1/2008: Suốt buổi sáng, mẹ chồng tôi cứ chửi mắng tôi. Bà còn lấy cây muỗng gõ vào cái hộp đựng đồ ăn dằn mặt tôi… Chồng tôi vẫn ngồi đó. Hai người nói gì tôi không hiểu.

Ngày 18/1: Như thường lệ, ăn sáng xong, tôi đưa chồng tôi đi làm. 8 giờ, mẹ chồng tôi bắt tôi học tiếng Hàn Quốc. Tôi ra dấu cho bà hiểu: tôi đã ký đơn ly dị nên chờ ngày về Việt Nam.

Bà lấy cây viết ra chỉ vào cuốn tập ý nói, tôi không được ở đây. Tôi khóc. Bà ta ra dấu, Hàn Quốc không được khóc… Mỗi khi thấy bà ta vô phòng là tôi phát sợ không dám lại gần. Trời nắng, tôi kéo màn lại cũng bị bà ta la… 19 giờ, tôi không biết bà ta nói gì với chồng tôi, ổng vào phòng kéo tay tôi ra ngoài. Ổng lấy hai tay nhấn vào vai tôi buộc quỳ xuống xin lỗi bà ta. Chưa hả giận, chồng tôi còn đánh và nhéo vào mặt tôi nữa… 19 giờ 50 phút, cả nhà đang ăn tối. Bà ta nói với chồng tôi chuyện gì. Bất ngờ, chồng tôi đánh vào mặt tôi. Bà ta tiếp tục diễn tả, chồng tôi lấy hai ngón tay định móc mắt tôi… Tôi khóc, chồng tôi không cho. Tôi ăn vội chạy vào phòng.

Cuốn nhật ký đầy nước mắt của cô gái tự tử sau 25 ngày lấy chồng ngoại quốc - Ảnh 2.

Bà Kim Anh bên hũ tro cốt của con gái được đưa về từ Hàn Quốc

Ngày 29/1: Ăn tối xong, tôi định đi vào phòng nhưng bị bà ta ngăn lại. Chồng tôi đang xem ti vi đi đến gần tôi đưa hai bàn tay ra dấu định cấu vào mặt tôi. Sau đó, anh ta lấy ngón tay bóp lỗ mũi tôi muốn nghẹt thở. Tôi cố nhịn nhưng sao không cầm được nước mắt. Tôi khóc nhớ ngoại, nhớ mẹ, nhớ dì… Họ ra dấu bảo tôi câm. Mẹ ơi…

Ngày 23/1: Mối nguy hiểm đang tăng lên từng ngày. Không chỉ tôi với bà ta mà thêm chồng tôi nữa. Sau buổi ăn sáng, bà ta tiếp tục chửi tôi. Thấy chưa hả giận, bà đến gần tôi và ngửi bộ quần áo tôi đang mặc. Bất ngờ, bà ta gầm lên rồi cầm cái ca múc nước định đánh tôi nhưng không làm như vậy. Chồng tôi nghe theo cầm chai nước hoa xịt khắp người tôi… Tôi không được nói, không được khóc. Họ không cho tôi tắm rửa, gội đầu… Tôi có miệng cũng như câm… Họ chỉ biết chửi bới, đánh đập những điều mà họ không hài lòng. Họ khinh tôi sao họ lại cưới tôi.

Ngày 27/1: … 19 giờ 50 phút, chồng tôi đi làm về. Chẳng hiểu bà ta nói gì với chồng tôi, ổng nóng giận chạy vào phòng. Tôi cố ra dấu cho chồng hiểu nhưng bất lực. Tấm hình cưới của tôi cũng bị bà ta và chồng tôi đập trước mặt tôi. Tôi ước ly dị xong, về Việt Nam tôi sẽ trả lại cho họ tất cả. Tuy nhà tôi nghèo thiệt nhưng đừng xem thường tôi. Tôi cầu mong mình sớm trở về Việt Nam. Ngày nào tôi còn ở đây là tôi sống trong nỗi sợ hãi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi nữa.

Ngày 28/1: Khoảng 8 giờ 50 phút, bà ta đang ở ngoài vườn nhìn tôi la hét, giận dữ. Tôi không hiểu nhưng nói đại ôkê. Nếu tôi biết tiếng Hàn Quốc, họ sẽ không ăn hiếp tôi đâu. Tôi chịu cực, vất vả quen nên tôi không ngại, chỉ sợ họ bắt nạt tôi. Tôi khóc nhiều vì tức và không nói được nên mới khóc… Từ lúc có chồng, lên sân bay sang Hàn Quốc, tâm hồn của tôi không còn niềm vui nữa.

Tôi lo gia đình, lo cho tương lai sẽ ra sao… Khi hồ sơ ly dị xong, tôi sẽ trở về Việt Nam gặp lại gia đình, tôi mừng lắm. Tôi sẽ ôm mà khóc với ngoại tôi, mẹ tôi, dì tôi… Tôi sẽ gặp lại bạn bè trong xóm. Tôi sẽ nói như thế nào để họ hiểu tôi. Tôi không sợ bạn bè không hiểu tôi. Tôi chỉ sợ mẹ tôi biết sự thật, mẹ tôi sẽ đau buồn mà sinh bệnh… Hàng ngày, tôi chỉ biết im lặng chờ ngày về Việt Nam.

Ngày 29/1: … Khi tôi đang nằm trên giường, bà mẹ chồng đi vào phòng tay cầm con dao để trước ngực. Bà ta ngồi xuống giường yêu cầu tôi ngồi dậy. Tôi sợ hãi và bắt đầu khóc. Bà ta đánh vào người tôi buộc tôi nín… Một lát sau, bà ta lại vào phòng và đi khắp phòng. Chồng tôi nằm trên giường xem cuốn nhật ký của tôi. Bất ngờ, chồng tôi ném cuốn sổ trúng vào gót chân của tôi. Tôi khóc vì đau. Hắn tức giận lấy hai ngón tay bóp mũi tôi đến nghẹt thở. Cả hai người quát tháo buộc tôi phải câm lặng. Họ cư xử với tôi thật thậm tệ như một con vật. Họ đâu biết rằng, những lần họ nhéo mặt, bóp mũi tôi thì vài ngày sau mặt mới hết sưng, mũi mới hết đau…

Sau khi nhận tro cốt và cuốn nhật ký của con, bà Kim Anh luôn sống trong buồn tủi khi đứa con duy nhất của bà đã vĩnh viễn ra đi. Dù đã 8 năm trôi qua sau ngày con qua đời nhưng mỗi khi nhắc tới con, bà Kim Anh đều không cầm được nước mắt…