Mới 4 ngày tuổi cha bị tai nạn giao thông qua đời, một năm rưỡi sau mẹ bệnh mất. Nữ lớn lên không nhớ mặt cha mẹ. Mười mấy năm bà nội nuôi đứa cháu mồ côi Lê Trần Ngọc Nữ (thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Nay Nữ vào đại học.
Ba mẹ mất sớm, sống trong yêu thương của bà, Ngọc Nữ vào đại học – Ảnh 1.

Ngoài giờ học, Nữ phụ giúp nội bán hàng ở sạp gia vị tại chợ Nam Phước – Ảnh: LÊ TRUNG

Mấy ngày nay, nhiều tiểu thương chợ Nam Phước, huyện Duy Xuyên chia vui với bà Võ Thị Ngọc Hạnh (70 tuổi) bên cái sạp bán gia vị ở chợ. Với cái sạp ấy, nhiều năm nay bà kiếm tiền nuôi đứa cháu mồ côi cha mẹ tội nghiệp của mình.

“Nó đậu đại học tui mừng quá. Tui nuôi nó hồi đó đến giờ, thấy con bé vào đại học coi như tui thấy nhẹ một nửa người, còn một nửa… chắc phải gắng thêm” – bà Hạnh thổ lộ.

Số phận bi thảm của đứa trẻ
Ký ức về cha mẹ của Nữ như trang giấy trắng.

Mồ côi cha mẹ, sống trong yêu thương của bà, Ngọc Nữ vào đại học – Ảnh 2.
Sống 1 mình trong ngôi nhà nhỏ suốt 5 năm, Thiên Hương nay là sinh viên Đại học Quảng Nam
ĐỌC NGAY
Cô tân sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng có một tuổi thơ bất hạnh khi chưa hưởng được trọn vẹn những tháng ngày hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ.

Sinh Nữ được bốn ngày tuổi thì cha trong lúc đi làm về bị tai nạn giao thông mất. Người mẹ của cô đau đớn, bàng hoàng với chồng mất, con thơ dại.

Rồi một năm rưỡi sau, mẹ Nữ đau ốm triền miên và cũng đã rời xa. Chỗ dựa duy nhất còn lại của cô bé là bà nội.

“Tội nghiệp con bé, ba mẹ nó ra đi sớm khi nó còn nhỏ quá, có biết gì đâu” – bà Hạnh lau nước mắt.

Bà nuôi cháu mất cha mẹ từ mới lọt lòng: Nó đậu đại học sao tui mừng quá! – Ảnh 3.
Cô tân sinh viên mồ côi cha mẹ Lê Trần Ngọc Nữ – Ảnh: LÊ TRUNG

Gánh nặng đè lên đôi vai người bà với bao vất vả lo toan, vừa lo cho các con ăn học, bà vừa lo thêm một đứa cháu nhỏ dại. Nhiều năm nay, bà tất bật ở cái sạp nhỏ bán gia vị tại chợ Nam Phước, mỗi ngày kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi cháu.

Bà con tiểu thương ở chợ quen thuộc, rồi xót thương hình ảnh cô cháu gái nhỏ lẽo đẽo bên bà trong cuộc mưu sinh.

Chị Trần Thị Bích Lài, cô ruột của Nữ, nói nhiều năm thấy mẹ mình lam lũ lo cho cháu, đóng vai vừa là mẹ, vừa là cha, cũng là người bà của Nữ.

Chị giờ cũng đã có gia đình và hai đứa con, tuy điều kiện không dư dả mấy nhưng cũng phụ thêm với mẹ để lo cho Ngọc Nữ ăn học.

Học mỗi năm mỗi giỏi hơn để bà mừng
Ngọc Nữ tâm sự, sớm mất cha mẹ từ thuở nhỏ, mọi ký ức giờ như ảo ảnh, cô dồn hết tình thương vào người bà vất vả bao năm vì cháu. Ý thức được việc học quan trọng và có thể vươn lên nên cô nỗ lực để không phụ công bà nội đã lo lắng.

12 năm liền là học sinh khá, giỏi. Nữ cho biết những năm THPT mình đã cố gắng biết chừng nào. Từ điểm trung bình các môn năm lớp 10 chỉ 7,6 thì đến năm lớp 11 cô đạt 8,3 và lớp 12 là 8,1, là học sinh giỏi của lớp. “Có thể điểm số tôi không cao như những bạn trong lớp, nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của bản thân mình. Mình cũng tự hào vì điều đó” – Nữ nói.

Không chỉ nỗ lực học tập, cô còn biết giúp bà đỡ nặng nhọc. Nhiều tiểu thương ở chợ quen với hình ảnh cô học trò nhỏ hằng ngày phụ giúp bà nội bán hàng ở sạp gia vị, ai nhìn thấy hai bà cháu vậy cũng thương. Nghỉ hè, Ngọc Nữ còn xin vào nhà sách để làm thêm công việc bán sách, kiếm tiền phụ nội trang trải ăn học.

Và đồng cảm với những phận người bất hạnh, Nữ cũng năng nổ trong việc thiện nguyện. Nữ kể lúc trước gần trường cô học có một bệnh viện, các cô chú làm từ thiện hằng ngày hay phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân. Ngoài giờ học, Nữ phụ các cô đi phát cơm cho các cô chú nằm viện.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cô đã trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh, Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng.

Nữ chia sẻ chương trình học đại học của cô là 4 năm, nếu thúc đẩy học sớm có thể chỉ học 3,5 năm. Trong quá trình học cô sẽ cố gắng trau dồi tiếng Anh và những kỹ năng cần thiết, nỗ lực hoàn thiện bản thân mình.

“Tôi mong sẽ học tập thật tốt, có một công việc đúng chuyên môn mình học và có một mức thu thập để trang trải cuộc sống và lo cho bà nội, người đã cưu mang mình suốt mười mấy năm nay” – Ngọc Nữ nói.