Theo luật sư, bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện xong các nghĩa vụ theo phán quyết, không phạm tội mới, sau 2 năm kể từ ngày tự do, người phụ nữ sẽ đương nhiên được xóa án tích.

Ngày 19/9, nguồn tin của phóng viên Dân trí xác nhận, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) đã được ra tù trước thời hạn.

Trước đó, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên án phúc thẩm đối với vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm. Tòa tuyên phạt bà Hằng 2 năm 9 tháng tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ra tù trước hạn, khi nào bà Phương Hằng được xóa án tích? - 1Bà Nguyễn Phương Hằng. (Ảnh: Hải Long).

Bà Hằng đã chấp hành án phạt tù tại Trại giam An Phước (Bình Dương). Dự kiến, bà chấp hành bản án đến ngày 24/12/2024, nhưng đến nay, bà được giảm án trước thời hạn 3 tháng 5 ngày.

Sau khi bà chủ khu du lịch Đại Nam được tự do, nhiều người muốn biết, bao lâu bà Nguyễn Phương Hằng sẽ được xóa án tích.

Liên quan tới vấn đề này luật sư Nguyễn Thị Phương (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là chính sách khoan hồng, nhân đạo có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù cải tạo tốt, để sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, làm người có ích cho gia đình, xã hội.

Để được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, người chấp hành án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể, hồ sơ đề nghị được lập, thẩm định và quyết định theo quy định.

Thời hạn chấp hành án phạt tù của Bà Nguyễn Phương Hằng được giảm hơn 3 tháng. Như vậy, người phụ nữ này đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

“Tuy nhiên, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không phải là điều kiện để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành”, bà Phương nhấn mạnh.

Theo luật sư Phương, thuật ngữ án tích chưa được định nghĩa rõ trong các văn bản pháp luật chính thức. Tuy nhiên, thông qua các quy định liên quan đến án tích tại Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể hiểu án tích là những thông tin, đặc điểm xấu về nhân thân của một người hoặc pháp nhân thương mại đã bị kết án, và những điều này được ghi, lưu lại trong lý lịch tư pháp của họ trong thời gian luật định.

Án tích gồm các thông tin về các tội phạm mà cá nhân hoặc pháp nhân thương mại đã bị kết án, bao gồm thông tin về loại tội phạm, ngày phạm tội, tòa án xử lý, kết quả của phiên tòa, hình phạt áp dụng.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người bị kết án cũng được xem là có án tích. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 69, Bộ luật Hình sự năm 2015, “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Án tích không phải là thông tin được ghi nhận vĩnh viễn của nhân thân về mặt pháp lý, sau một khoảng thời gian và theo các điều kiện cụ thể được quy định, án tích có thể được xóa bỏ.

Theo quy định tại Điều 70, 71 Bộ luật Hình sự, ngoại trừ người bị kết án thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia,  các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, chỉ được xóa án tích theo quyết định của tòa án thì đối với các tội còn lại là đương nhiên được xóa án tích.

Căn cứ vào điểm b, Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích sau 2 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 5 năm, nếu khi chấp hành xong hình phạt chính, hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Hình phạt tù đối với bà Hằng là 2 năm 6 tháng. Vì vậy, nếu có hình phạt bổ sung và đã chấp hành xong, phạm tội mới thì sau 2 năm kể từ ngày tự do, bà Nguyễn Phương Hằng đương nhiên được xóa án tích.

Trong trường hợp đặc biệt, bà Phương Hằng có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người phụ nữ này đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định (8 tháng).

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Nguyễn Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của 10 cá nhân. Từ tháng 3/2021, bà Hằng đã sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà này quản lý. Bà thực hiện nhiều buổi livestream, phát ngôn trực tiếp trên Internet với nội dung sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự các cá nhân…

Liên quan tới vụ án án, ông Đặng Anh Quân (43 tuổi, cựu giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM) bị phạt 2 năm tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam) lĩnh 1 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.