Sát ngày cưới con gái, bà Hoa chi hơn 500.000 đồng mua bốn hộp đựng nữ trang đã qua sử dụng của các thương hiệu lớn thay cho hộp nhựa của tiệm vàng.

Người phụ nữ 65 tuổi ở huyện Củ Chi, TP HCM cho rằng những chiếc hộp này làm cho món trang sức không tên tuổi đỡ tạo cảm giác “rẻ tiền”. “Quà hồi môn vì thế vừa đẹp mắt lại vừa đẹp mặt nhà gái”, bà Hoa nói.

Bộ vỏ hộp nữ trang bà Hoa đặt mua gồm bốn loại, hộp đựng nhẫn giá 80.000 đồng, hộp đựng kiềng, lắc tay và bông tai 200.000-300.000 đồng. Bà cảm thấy mãn nguyện còn khách mời khen “độ chịu chi” của nhà gái trong thời giá vàng tăng phi mã.

Anh Minh Hoàng sống tại quận Tân Phú, TP HCM rao bán vỏ hộp đựng trang sức của thương hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng trên trang cá nhân, tháng 10/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Minh Hoàng sống tại quận Tân Phú, TP HCM rao bán vỏ hộp đựng trang sức của thương hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng trên trang cá nhân, tháng 10/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo khảo sát của VnExpress từ đầu cưới 2024, nhu cầu tìm mua vỏ hộp đựng trang sức của các thương hiệu nổi tiếng tăng cao. Trên các sàn thương mại điện tử, những vỏ hộp đủ kiểu dáng, in logo thương hiệu trang sức lớn được bày bán công khai với nhiều mức giá, dao động 50.000-70.000 đồng với hộp đựng nhẫn; 150.000-180.000 đồng hộp dây chuyền hoặc vòng tay; hộp đựng kiềng 300.000-600.000 đồng, tùy vào hàng đã sử dụng hoặc mới. Các cửa hàng online này chủ yếu ở TP HCM và Hà Nội.

Tại một cửa hàng online đã bán gần 750 sản phẩm ở TP HCM, người bán cho hay, hộp đựng dây chuyền, bông tai, vòng và hộp ba món (dây, nhẫn, bông tai) đã hết hàng, chỉ còn hộp đựng nhẫn đơn, nhẫn đôi nhưng số lượng không còn nhiều. Người bán cũng khẳng định, tất cả sản phẩm là hàng chính hãng, mới 100%.

Trong một hội nhóm trao đổi kinh nghiệm cưới hỏi với hơn 500.000 thành viên, từ cuối tháng 9, nhiều người rao bán hộp đựng nhẫn, kiềng, khuyên tai đã qua sử dụng.

Minh Hoàng, 36 tuổi, ở quận Tân Phú, TP HCM nửa tháng nay lên hội nhóm này rao bán hơn chục hộp đựng nhẫn, kiềng, lắc tay với giá 80.000-200.000 đồng. Anh cho biết đây đều là hộp đựng trang sức trong đám cưới của mình giữa tháng 10, được bố mẹ, người thân và bạn bè tặng, không dùng nên bán lại.

Sau bài đăng, Hoàng nhận được hàng chục tin nhắn hỏi giá cũng như hiện trạng hộp đựng từ chất liệu, độ bền, màu sắc cho đến vết dính bẩn bên ngoài hay độ ẩm bên trong. Nhiều người còn hỏi kỹ màu sắc hộp đựng để phù hợp với tông nền chụp ảnh cưới. Sau một tuần, Hoàng bán được 6 hộp đựng nhẫn cho khách chủ yếu ở TP HCM.

“Để lại tôi cũng không dùng trong khi vỏ hộp này giúp những gia đình có ngân sách hạn hẹp đẹp mặt trong đám cưới”, anh Hoàng nói. “Hộp đựng trang sức của thương hiệu cao cấp góp phần tạo nên khoảnh khắc sang trọng khi cô dâu chú rể chia sẻ lên mạng xã hội”, anh nói.

Dưới bài đăng của Hoàng không chỉ có người hỏi giá mà còn xuất hiện nhiều ý kiến phản bác, chê trách người mua “sống ảo”, “phông bạt”. “Giờ nhiều người thích khoe khoang sự giàu có, sành điệu bằng những hình ảnh khác xa với thực tế cuộc sống của họ”, một người nói. Trong khi người khác bình luận: “Hộp đựng trang sức chỉ là lớp vỏ ngoài, cái lõi bên trong lại không để ý tới”.

Trước ý kiến trái chiều, Hoàng cho rằng việc mua hộp đựng trang sức có thương hiệu của các cặp đôi không ảnh hưởng tới cuộc sống người khác, cũng không có mục đích nổi tiếng hay tư lợi cá nhân nên không thể gọi là “phông bạt”. Người đàn ông này nói, quan trọng là cô dâu chú rể yêu thích và hai bên gia đình cùng vui.

“Hình thức đẹp cũng là cách để tạo ra những kỷ niệm đẹp”, Hoàng nêu ý kiến.

Một số mẫu vỏ hộp có thêm đèn tự động sáng khi mở nắp, giá bán vài trăm nghìn đồng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Một số mẫu vỏ hộp có thêm đèn tự động sáng khi mở nắp, giá bán vài trăm nghìn đồng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, giám đốc trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho rằng, việc mọi người mua hộp trang sức rỗng của các thương hiệu lớn là bình thường. Mục đích là muốn lễ thành hôn trở nên chỉn chu hơn, nhằm nâng cao danh dự, hình ảnh cho cô dâu chú rể cũng như gia đình hai bên.

Theo chuyên gia hành động này không xấu nếu xuất phát từ mong muốn nâng cao hình ảnh. Chỉ đáng chê trách nếu gia chủ dùng vàng giả đặt trong hộp thật bởi đặt nặng hình thức hơn ý nghĩa thực sự của đám cưới.

“Mua hộp đựng trang sức hàng hiệu cũng được, không có cũng chẳng sao. Quan trọng là sau đám cưới, vợ chồng phải biết cách chung sống hòa thuận trọn đời”, bà Tâm nói.

Bị mang tiếng mắc bệnh hình thức khi mua hộp đựng trang sức hàng hiệu, nhưng bà Mai Hoa bỏ ngoài tai. Người phụ nữ này cho rằng, việc chọn mua hộp đựng cao cấp đã giúp nâng cao thể diện gia đình, khiến cả nhà cùng vui.

“Tôi vẫn trao vàng thật cho con gái, chỉ thay đổi bao bì bên ngoài để đẹp hơn chứ dối lừa ai đâu mà phải thẹn lòng”, người phụ nữ 65 tuổi nói.