Việc đại diện chính quyền địa phương chứng thực hợp đồng mua bán đất trái quy định đã khiến một hộ gia đình ở Bình Định thiệt hại hàng tỉ đồng
Em giữ sổ đỏ, anh ruột báo mất
Vừa qua, Báo Người Lao Động nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Đình Nguyên (55 tuổi; ngụ thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) về việc chính quyền địa phương chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định, khiến gia đình ông thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Sổ đỏ cũ thửa đất số 875 vẫn đang được gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên cất giữ
Theo ông Nguyên, năm 1998, hộ gia đình phía vợ ông gồm 11 người được UBND huyện Phù Mỹ cấp sổ đỏ thửa đất số 875, tờ bản đồ số 16, diện tích 539,9 m2 tại thôn Chánh Thiện, xã Mỹ Chánh. Thời điểm này, sổ đỏ được cấp ghi tên mẹ vợ ông là bà Trần Thị Cước (SN 1934; đã mất năm 2021) – đại diện hộ gia đình 11 người.
Năm 2002, sau khi xã Mỹ Chánh chia tách thành 2 xã Mỹ Chánh Tây và Mỹ Chánh, thửa đất 875 có vị trí địa lý tại thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây.
Sau khi thửa đất 875 được cấp sổ đỏ, gia đình phía vợ ông Nguyên thống nhất giao cho em ruột vợ ông là bà Nguyễn Thị Cúc (52 tuổi; ngụ huyện Duy Linh, tỉnh Lâm Đồng) cất giữ. Riêng thửa đất này, gia đình phía vợ ông Nguyên dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên.
Ông Nguyên cho biết vì muốn chiếm đoạt thửa đất 875 nên giữa năm 2020, anh ruột vợ ông là ông Nguyễn Văn Thinh (57 tuổi; hiện trú tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) về xã Mỹ Chánh Tây khai báo mất sổ đỏ với chính quyền địa phương và tiến hành các thủ tục để được cấp lại.
Trong khi đó, sổ đỏ này vẫn đang được bà Nguyễn Thị Cúc, em ruột ông Thinh, cất giữ đến nay. Cả gia đình không hề hay biết gì về việc ông Thinh báo mất sổ đỏ với chính quyền.
Trên cơ sở đó, ngày 1-10-2020, thửa đất 875 được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cấp sổ đỏ mới. Trên sổ đỏ này, người được cấp vẫn ghi tên “hộ bà Trần Thị Cước” – tức cấp cho hộ gia đình gồm 11 người bên phía nhà vợ ông Nguyên.
Chứng thực người ký giấy bán đất qua Zalo
Sau khi có sổ đỏ mới, được sự giúp sức của đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thinh đã bán trót lọt thửa đất 875 của gia đình cho ông Phạm Văn Trí (53 tuổi; ngụ thôn An Lương, xã Mỹ Chánh) với số tiền ghi trên hợp đồng là 100 triệu đồng.
Cụ thể, sổ đỏ thửa đất 875 được cơ quan chức năng cấp năm 1998 và được cấp lại sau khi báo mất vẫn ghi rõ “hộ bà Trần Thị Cước”. Theo hồ sơ lưu trữ tại UBND xã Mỹ Chánh, thời điểm được cấp sổ đỏ, hộ bà Trần Thị Cước ở thôn Chánh Thiện, xã Mỹ Chánh (lúc này chưa tách xã) có 12 nhân khẩu, do chồng bà là ông Nguyễn Tư (SN 1937) làm chủ hộ. Trong đó, 1 nhân khẩu là con rể bà Cước không được giao ruộng đất.
Việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng trái quy định đối với thửa đất 875 của UBND xã Mỹ Chánh Tây đã khiến gia đình vợ ông Nguyễn Đình Nguyên thiệt hại hàng tỉ đồng
Dù vậy, tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất 875 được xác lập ngày 5-10-2020 ở trụ sở UBND xã Mỹ Chánh Tây, bên chuyển nhượng chỉ có tên bà Trần Thị Cước, còn bên nhận chuyển nhượng là ông Phạm Văn Trí. Trong khi đó, thời điểm này, chồng bà Cước cùng các thành viên khác trong gia đình đồng sở hữu thửa đất vẫn còn sống và không ai hay biết gì về việc chuyển nhượng này.
Không chỉ vậy, thời điểm xác lập hợp đồng, bà Trần Thị Cước tuổi đã cao, sức yếu và đang bị bệnh nặng tại tỉnh Lâm Đồng, không có mặt tại trụ sở UBND xã Mỹ Chánh Tây để ký. Việc giả chữ ký bà Cước được con trai là ông Nguyễn Văn Thinh thực hiện.
Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng trên vẫn được ông Nguyễn Văn Mỹ, thời điểm này giữ chức Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Tây (hiện giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Chánh Tây), đại diện chính quyền địa phương ký chứng thực.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Mỹ thừa nhận việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 875 giữa bà Trần Thị Cước và ông Phạm Văn Trí là trái quy định. Giải thích về việc sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình 11 người nhưng chỉ một người ký hợp đồng chuyển nhượng mà vẫn được chứng thực, ông Mỹ nói rằng do tin tưởng vào cán bộ tư pháp tham mưu nên ông mới ký (!?).
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về việc tại sao thời điểm xác lập hợp đồng, bà Trần Thị Cước không có mặt tại trụ sở UBND xã Mỹ Chánh Tây để ký nhưng vẫn được chứng thực, ông Mỹ phân bua: “Lúc này có người gọi video call qua ứng dụng Zalo, tôi nhìn màn hình điện thoại thấy bà Cước đang ở Lâm Đồng cầm bút ký trên tờ giấy nên tôi mới ký chứng thực”!
Ông Nguyễn Đình Nguyên cho biết theo thị trường, hiện thửa đất 875 trị giá khoảng 4-5 tỉ đồng. “Việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng trái quy định đối với thửa đất 875 của UBND xã Mỹ Chánh Tây, mà trực tiếp là ông Nguyễn Văn Mỹ đã khiến gia đình mất trắng thửa đất trị giá hàng tỉ đồng. Đây là hành vi sai phạm không thể chấp nhận được. Mong cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý vụ việc, trả lại quyền lợi hợp pháp cho gia đình chúng tôi” – ông Nguyên bức xúc.