Giá cau tươi chạm mốc 95.000 đồng/kg, tăng kỷ lục so với các năm trước, các lò sấy cau ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) hoạt động hết công suất.

Giá cau tăng kỷ lục, lò sấy cau hoạt động hết công suấtLò sấy cau ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) hoạt động ngày đêm khi giá cau tăng cao kỷ lục. Ảnh: Lương Hà
Nếu như các năm trước, giá cau tươi chỉ khoảng 15.000 – 25.000 đồng/kg thì năm 2024, ngay từ đầu vụ, giá cau đã tăng cao. Từ tháng 7 đến nay, giá cau tươi ở Nam Định luôn ở mức cao, thời điểm này giá cau cao kỷ lục, chạm mốc 95.000 đồng/kg cau tươi.

Cau được giá, người trồng cau ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) phấn khởi, các lò sấy cau hoạt động ngày đêm. Ông Vương Văn Đức (53 tuổi) là chủ lò sấy cau ở xã Hải Đường cho biết, ông đã làm nghề sấy cau được hơn 30 năm nhưng năm nay là năm giá cau tăng cao kỷ lục.
Cau sau khi ngắt từng quả khỏi chùm sẽ được luộc từ 40 - 60 phút. Ảnh: Lương HàCau sau khi ngắt từng quả khỏi chùm sẽ được luộc từ 40 – 60 phút. Ảnh: Lương Hà


Cau được sấy trong lò Cau tươi được sấy trong lò liên tục nhiều ngày để ra cau khô. Ảnh: Lương Hà
“Thời điểm này, thương lái Trung Quốc đang thu mua rất nhiều cau sấy nên từ đầu tháng 10 tới giờ, lò sấy nhà tôi hoạt động hết công suất, cứ có cau tươi về là lò sấy và công nhân làm việc. Các lò sấy áp dụng công nghệ sấy theo dây chuyền lò hơi, sấy liên tục 3 ngày 3 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm để có được sản phẩm cau khô thành phẩm. Để cau khô đạt chuẩn, nhiệt độ lò sấy duy trì khoảng 60 độ.

Theo tỉ lệ, 5kg cau tươi sẽ cho ra khoảng 1kg cau khô, giá cau khô đang ở mức 450.000 – 500.000đồng/kg. Vụ cau năm nay nhà tôi dự kiến làm khoảng 1.500 tấn cau tươi”, ông Đức chia sẻ.



Phân loại cau khô theo kích thước bằng máy và thủ công. Ảnh: Lương HàPhân loại cau khô theo kích thước bằng máy và thủ công. Ảnh: Lương Hà
Tranh thủ kiếm thu nhập mỗi vụ cau từ việc phân loại cau khô, bà Vương Thị Tiến (71 tuổi, ở xã Hải Đường) cho hay: “Năm nay cau được giá nên các lò sấy hoạt động liên tục, tạo việc làm cho lao động cao tuổi như tôi kiếm thêm thu nhập. Cứ có hàng là chủ lò sấy lại gọi đến làm, bình quân mỗi ngày tôi kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng. Dịp này, sản lượng cau nhiều thu nhập của tôi sẽ cao hơn”.

Theo các chủ lò sấy cau ở xã Hải Đường, thị trường tiêu thụ chính của quả cau là Trung Quốc. Thông thường thương lái Trung Quốc về tận cơ sở để xem sản phẩm, sau khi đã thống nhất giá, họ nhập hàng để đưa về chế biến thành kẹo cau.
Vùng trồng cau ở xã Hải Đường. Ảnh: Lương HàVùng trồng cau ở xã Hải Đường. Ảnh: Lương Hà
Hiện nay, xã Hải Đường là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn ở Nam Định. Toàn xã này có trên 100ha trồng cau, được trồng ở hầu hết các xóm. Bên cạnh đó, trên địa bàn có khoảng 20 lò sấy cau tươi, với công suất khoảng 10 tấn quả/lò.