Dự báo cả 2 áp thấp “nối đuôi” gần Philippines đều mạnh lên trong đêm, trong đó 1 áp thấp đã thành bão. Điển hình, với sức gió mạnh nhất gần tâm bão 65km/h.

Tin bão mới nhất: 1 trong 2 áp thấp gần Philippines mạnh lên thành bão

Theo Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA), vào hồi 20h ngày 15/9, áp thấp nhiệt đới bên ngoài khu vực dự báo của Philippines (PAR) đã mạnh lên thành bão nhiệt đới Pulasan.

Bão số 3 Yagi vừa đi, 1 trong 2 áp thấp "nối đuôi" mạnh lên thành bão, liệu có đổ bộ vào Việt Nam không?- Ảnh 1.

Áp thấp nhiệt đới bên ngoài PAR mạnh lên thành bão Pulasan. Ảnh: PAGASA

Cụ thể, vào hồi 4h ngày 16/9, vị trí tâm bão Pulasan ở vào khoảng 14,2 độ vĩ bắc, 144,7 độ kinh đông, cách Đông Nam Luzon 2.215 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất gần tâm bão 65km/h, giật 80km/h và áp suất trung tâm là 998 hPa. Bão di chuyển theo hướng bắc đông bắc với tốc độ 20km/h. Gió mạnh đến gió giật mở rộng ra ngoài tới 380km từ tâm bão.

Bão Pulasan dự kiến di chuyển chủ yếu về phía bắc đông bắc trong 12 giờ tới trước khi chuyển hướng tây bắc từ chiều 16/9 đến chiều 18/9. Sau đó, bão dự kiến sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc.

Dự kiến bão Pulasan đi vào khu vực dự báo của Philippines (PAR) vào khoảng tối 17/9 và ra khỏi PAR vào khoảng sáng 18/9.

Thời gian dự báo vào và ra khỏi PAR vẫn có khả năng thay đổi tùy thuộc vào chuyển động của bão trong 12 giờ tới, nhưng dự kiến vẫn giữ cường độ bão nhiệt đới trong suốt giai đoạn dự báo. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bão tăng cấp vì bão vẫn đang ở trên Thái Bình Dương. Pulasan là cơn bão số 14 được đặt tên trong mùa bão 2024 ở Tây Thái Bình Dương.

Bão số 3 Yagi vừa đi, 1 trong 2 áp thấp "nối đuôi" mạnh lên thành bão, liệu có đổ bộ vào Việt Nam không?- Ảnh 2.

Dự báo đường đi của bão Pulasan. Ảnh: PAGASA.

Báo Lao Động dẫn nguồn PAGASA cho biết, với đường đi tương tự như bão Bebinca, kịch bản đường đi hiện tại cho thấy bão Pulasan sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến bất kỳ khu vực nào của Philippines trong suốt giai đoạn dự báo.

Về phần áp thấp còn lại bên trong PAR, vào hồi 3h ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc, 125,5 độ kinh đông, cách Casiguran, Aurora 375 km về phía đông đông bắc hoặc cách thành phố Tuguegarao, Cagayan 400 km về phía đông.

PAGASA dự báo, có khả năng cao áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong vòng 24 giờ, khi đó sẽ được đặt theo tên địa phương là Gener.

Đặc biệt, rãnh áp thấp đã bắt đầu mang mưa lớn đến một số vùng ở Bắc Luzon. Trong khi đó, gió mùa tây nam ảnh hưởng đến Nam Luzon, Visayas và Mindanao.

Bão số 3 Yagi vừa đi, 1 trong 2 áp thấp "nối đuôi" mạnh lên thành bão, liệu có đổ bộ vào Việt Nam không?- Ảnh 3.

Ảnh vệ tinh áp thấp và bão gần Philippines hồi 6h ngày 16/9/2024. Ảnh: PAGASA

Dải hội tụ kết hợp áp thấp nhiệt đới gây thời tiết nguy hiểm trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay (16/9), dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 15-18 độ Vĩ Bắc nối với áp thấp nhiệt đới hồi 1h ngày 16/9 có vị trí ở khoảng 16.8-17.8 độ Vĩ Bắc, 125.1-126.1 độ Kinh Đông; kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đang gây mưa rào và dông ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan.

Dự báo diễn biến trong 24h tới:

Thời điểm dự báo
Vùng biển ảnh hưởng
Gió mạnh
Độ cao sóng

Cấp gió 

(cấp Bô-pho)
Hướng
Độ cao (mét)
Hướng

Ngày và đêm 16/9 
Từ Ninh Thuận đến Cà Mau; phía Nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa)
Cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.
Tây Nam

2,0-4,0
Tây Nam

Từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan
Cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.
Tây Nam
1,5-2,5m
Tây Nam

Dự báo thời tiết ngày và đêm 16/9, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Đêm 16/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.

Dự báo ngày và đêm 17/9, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 2,0-4,0m. Khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 1,5-2,5m.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.

Dự báo tác động toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.