Tôi không thấy chị ấy tốt bụng, ngược lại tôi nghĩ chị sống rất ích kỷ và thiếu tinh tế.
Trong khoảng 8 tháng đầu đi làm ở công ty hiện tại, tôi chỉ đặt đồ ăn bên ngoài buổi trưa. Mặc dù bố mẹ ở quê và đồng nghiệp đều nói nên mang cơm đi làm, vừa sạch sẽ mà vừa tiết kiệm, nhưng quả thực tôi hơi… lười. Cứ nghĩ đến việc sáng phải dậy sớm, chuẩn bị từ a đến z mà tôi chùn bước vô cùng. Thay vào đó, tôi nghĩ đặt đồ ăn chỉ tốn 15 phút là cùng, đắt hơn tí thì có thể chấp nhận được.
Song trải qua 8 tháng, tôi mới thấy hóa ra đặt đồ ăn bên ngoài vô cùng tốn kém. Thậm chí, có những hôm đồ ăn hơi lạ miệng, tôi phải bỏ bữa, bụng đói nguyên cả buổi chiều. Hàng tháng, tôi tốn vài triệu cho việc ăn trưa. Thời buổi bây giờ cái gì cũng lên giá, tôi nghĩ đã đến lúc mình nên cân nhắc một cách khôn ngoan để không bị chi tiêu quá tay.
Ảnh minh họa.
Tôi tập mang đồ ăn ở nhà đi làm và ăn vào buổi trưa. Trước tiên, tôi mua hộp cơm có cắm điện để có thể hâm nóng đồ ăn. Sau đó, tôi sẽ vạch ra kế hoạch mỗi ngày ăn gì để đi siêu thị mua đồ cho hợp lý. Cứ như thế dần dần, tôi đã quen với nếp sinh hoạt này. Hàng tháng, nhìn bảng chi tiêu mà tôi rất ưng ý. Đây cũng là một cách để giữ gìn sức khỏe cho bản thân, vì tôi tin rằng mình tự nấu ăn thì sạch sẽ, đảm bảo hơn.
Ở phòng của tôi, các anh chị đồng nghiệp cũng đều mang cơm trưa đi, Họ là những người lớn tuổi, thâm niên cao, cũng đã quen với việc này rồi. Thi thoảng vào những dịp đặc biệt như 8/3, 20/10, kỷ niệm thành lập công ty hoặc sinh nhật sếp thì cả phòng sẽ ra ngoài ăn. Trước đó, mọi người sẽ báo nhau để ngày hôm ấy không chuẩn bị cơm trưa.
Thi thoảng, để tăng sự gắn kết giữa đồng nghiệp với nhau, tôi sẽ nấu nhiều đồ ăn hơn một chút, đặc biệt là những món tôi có thể làm ngon. Tôi sẽ cho các anh chị, không hề đắn đo gì. Bởi sâu trong thâm tâm, tôi tin rằng chỉ từ những hành động nhỏ này thì tôi sẽ ghi được điểm trong mắt họ. Sau này nếu tôi gặp khó khăn gì thì nhờ vả các anh chị ấy cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, có một chị đồng nghiệp trong phòng là chị B. thì tôi không thấy quý mến cho lắm. Những việc chị ấy làm thậm chí còn khiến tôi thấy mất cảm tình. Chị B. vào làm sau tôi 5 tháng. Chị lớn tuổi hơn tôi, và cũng được sếp giao cho đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn, nên dù thâm niên trong công ty của tôi nhiều hơn, ngoài mặt tôi vẫn phải tỏ ra nể phục, kính trọng chị ấy. Điều này tôi hoàn toàn có thể làm được.
Đợt tôi còn đặt đồ ăn bên ngoài, chị B. hay bĩu môi chê bai, đúng lúc tôi chuẩn bị ăn thì chị hay nói kiểu “Gớm nhìn trông chả ngon miệng gì cả! Con gái thì tự nấu cơm đi em, cứ ăn thế này rồi thằng nào nó lấy”. Thân thiết nói với nhau như vậy đã đành, đằng này chị ấy với tôi chẳng quá gần gũi gì hết.
Ảnh minh họa.
Lúc tôi làm đồ ăn cho chị ấy, chị B. cũng chỉ “Ừ” một tiếng mà không hề cảm ơn. Chưa hết, chị B. này còn từng làm một việc khiến tôi tổn thương vô cùng. Chả là hôm đó, chị ấy nói là “Em ăn cá rán không chị đưa em một miếng này”. Tôi thấy chị có thiện chí nên đồng ý. Sau đó tôi đi rửa tay để đi ăn. Và rồi lúc tôi quay về, chị B. đã để sẵn đồ ăn san sẻ cho tôi trong một chiếc hộp.
Khi tôi mở hộp ra, miếng cá rán bên trong làm tôi chết lặng. Mọi thứ nát bét, còn bị mất phần da cá… Chị B. còn nói thêm: “Ăn đi không có xương đâu. Chị lấy phần da cá rồi nhé vì chị thích ăn da cá. Thấy em ăn uống khoa học nên thêm chút cá đi cho nhiều chất”.
Hành động của chị B. rất thiếu tinh tế và không hề thể hiện tình cảm chân thành. Lúc nào nấu đồ ăn cho mọi người, tôi cũng để dành phần ngon cho họ. Thế mà chị B., chị ấy lại coi sự cho đi giống như bố thí vậy. Có lẽ từ giờ, tôi sẽ không phải nhượng bộ hay tỏ vẻ thảo mai, ngoan ngoãn với chị ấy nữa!