×

Áp thấp nhiệt đới hướng thẳng Quảng Trị – Đà Nẵng, mạnh lên thành bão trong 24h tới nhưng miền Trung đã có mưa to, đường đi cực phức tạp

Hiện áp thấp nhiệt đới đang cách đảo Hoàng Sa khoảng 213km về phía đông, nhưng hoàn lưu đang gây mưa to đến rất to ở các tỉnh miền Trung.

Áp thấp nhiệt đới hướng vào vùng biển Quảng Trị - Đà Nẵng, miền Trung đang mưa to - Ảnh 1.

Dự báo vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới lúc 8h sáng 18-9 – Ảnh: NCHMF

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 9h sáng 18-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 213km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam và có khả năng mạnh lên thành bão với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Hình ảnh vệ tinh áp thấp nhiệt đới gió giật cấp 9, sắp mạnh lên thành bão

Đến 7h sáng mai, tâm bão cách Quảng Trị khoảng 210km về phía đông đông nam, cách Đà Nẵng khoảng 120km về phía đông, cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, bão đi vào đất liền các tỉnh miền Trung và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7h sáng 20-9, áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt – Lào, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng triều cường kết hợp với sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.

Đối với đất liền, từ gần sáng và ngày 19-9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Cơ quan khí tượng cho biết đêm qua và sáng nay (18-9), ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to như Quỳnh Lưu (Nghệ An) 110mm, Hồ Đá Hàn (Hà Tĩnh) 162mm, Đà Nẵng 150mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 100mm, Ma Đa Guôi (Lâm Đồng) 145mm, Cửa Cạn (Kiên Giang) 136mm, Đầm Dơi (Cà Mau) 105mm…

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 18 đến 20-9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Từ ngày 18 đến 19-9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 150mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.

Cảnh báo mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị và lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Từ ngày 18 đến 21-9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-7m.

Trong đợt này, đỉnh lũ tại thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động (BĐ) 1 – BĐ 2 và trên BĐ 2, đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ 2 – BĐ 3. Hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La (Hà Tĩnh) ở mức BĐ 1 và hạ lưu sông Cả (Nghệ An) lên trên mức BĐ 1.

Đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên mức báo động BĐ 1 – BĐ 2, có sông trên BĐ 2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ 3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Related Posts

Our Privacy policy

https://kenhtina.com - © 2025 News