Vân Anh nói chưa bao giờ trải qua những cảm xúc dữ dội như khi mẹ chồng đưa tờ giấy “khước từ tài sản”, yêu cầu cô ký.
Trong cuộc họp gia đình cuối tháng 11, bố mẹ chồng Vân Anh tuyên bố sẽ cho con trai họ một mảnh đất với điều kiện chỉ đứng tên chồng cô để “tránh phức tạp pháp lý có thể xảy ra”.
Yêu cầu này khiến cô con dâu 36 tuổi “ngỡ ngàng, xấu hổ và cảm thấy ê chề như một kẻ bị phản bội”. Hơn 12 năm về làm dâu, cô thay mẹ chồng gánh vác mọi trách nhiệm trong nhà cũng như trong dòng họ. Khi ông bà ốm đau, Vân Anh cũng chăm lo chu đáo. Trước mặt họ hàng, mẹ chồng cô từng khẳng định “coi con dâu như con gái”.
“Tôi thấy mình bị hắt hủi. Đó cũng là lúc tôi biết mình phải sống cho bản thân nhiều hơn, không cần hy sinh thêm vì nhà chồng nữa”, bà mẹ hai con nói.
Ảnh minh họa
Thời điểm gia đình chồng bàn bạc chia đất, làm sổ đỏ một năm trước, Tú Phương ở Điện Bàn, Quảng Nam không hay biết. Tới khi mọi việc đã an bài, người phụ nữ 40 tuổi hỏi chồng thì nhận được câu trả lời “tài sản, mồ hôi công sức của bố mẹ ai thì người đó hưởng”.
Tâm sự với bạn thân, người này khuyên Phương không nên suy nghĩ nhiều, bởi đất đai nhà chồng vốn không phải của mình. Cô nói mình không có ý tham, nhưng cách hành xử của chồng và gia đình chồng vẫn khiến trái tim cô đau nhói mỗi khi nghĩ tới.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái của công ty luật quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, cho rằng người bạn của Tú Phương nói đúng. Pháp luật hiện hành quy định, gia đình người chồng có quyền định đoạt tài sản của họ, bao gồm việc quyết định tặng tài sản này cho ai.
Theo đó, nếu bố mẹ chồng chỉ tặng cho con trai mình mảnh đất hoặc bất cứ tài sản có giá trị nào khác, đây là tài sản riêng của người chồng. Người vợ không có quyền đồng sở hữu bởi đó không phải tài sản được tạo dựng trong thời gian hôn nhân. Trong trường hợp vợ chồng ly hôn, tài sản này không thuộc đối tượng cần phải phân chia.
“Nhưng việc nàng dâu thắc mắc về tài sản này cũng hợp tình hợp lý, đặc biệt nếu nhìn vào sự đóng góp, cống hiến của họ với gia đình chồng”, ông Thái nói.
17 năm kết hôn, tình cảm giữa Phan Ngọc và bố mẹ chồng, sống tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa khá tốt đẹp. Nhiều năm trước khi xây nhà trên đất gia đình chồng, cô cũng góp phần. Tuy nhiên, khi làm sổ đỏ sang tên nhà và đất cho con trai, bố mẹ chồng kiên quyết không điền tên Ngọc.
Cũng từ đó tình cảm vợ chồng cô sứt mẻ. Người chồng nói đất đai là tài sản của cha mẹ, cho ai là quyền của ông bà, con dâu không được phép đòi hỏi. Ngọc phản bác khi cho rằng gia đình chồng phân biệt đối xử, coi cô như người ngoài. Điều người phụ nữ này lo sợ nhất là nếu chẳng may tương lai ly hôn, cô phải ra đi tay trắng.
Từ trường hợp của Phan Ngọc, luật sư Hồng Thái cho rằng, theo luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tiền góp vào xây dựng nhà cửa được coi là tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp ly hôn, người vợ có quyền yêu cầu phân chia tài sản này. Nếu không có giấy tờ chứng minh, có thể thu thập các loại chứng cứ khác để minh chứng sự đóng góp như tin nhắn, email hoặc giấy tờ giao dịch ngân hàng, lời khai nhân chứng.
“Nếu nhà được xây dựng trên đất thuộc quyền sở hữu của gia đình chồng (tài sản riêng của cha mẹ chồng), vẫn có thể yêu cầu hoàn trả phần giá trị bạn đã đóng góp vào việc xây dựng căn nhà, căn cứ vào các bằng chứng đã thu thập”, ông Thái nói.
Không có ý định tranh giành hay đòi quyền lợi, nhưng từ khi ký vào giấy khước từ tài sản, tình cảm của Vân Anh và gia đình chồng lạnh nhạt hơn trước. Lúc đầu, cô thấy đau khổ và buồn bã. Khi bình tâm lại, Vân Anh học cách yêu bản thân mình hơn, bắt đầu lập quỹ riêng phòng thân.
Tú Phương nói cô chấp nhận sự thật rằng con dâu dù cố gắng thế nào cũng bị coi là người ngoài trong gia đình chồng. “Giờ tôi mới thấm câu khác máu thì tanh lòng”, Phương nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên tâm lý Đại học Văn Lang, TP HCM cho rằng, thái độ khó chịu, ghét bỏ chồng hoặc gia đình chồng của Vân Anh và Tú Phương xuất phát từ tâm lý hụt hẫng khi tình cảm dành cho người khác không được công nhận và đáp trả. Tuy nhiên, đây không phải cách ứng xử khôn khéo, bởi nàng dâu càng tỏ ra khó chịu lại càng củng cố nhận định “kết hôn vì tài sản nhà chồng”.
Theo chuyên gia, trong hoàn cảnh này, nàng dâu cần bình tĩnh và khéo léo trong việc điều tiết cảm xúc cá nhân. Nếu đến với nhau bằng tình yêu và sự chân thành, việc cần làm là tiếp tục yêu thương và vun vén cho gia đình bởi vợ chồng thuận hòa thì của chồng cũng như của vợ. Nếu nàng dâu yêu thương chăm sóc gia đình chồng “có điều kiện và mục đích riêng” đây là phép thử mà bản thân họ phải tự tìm câu trả lời.
Gần 20 năm kinh nghiệm xử lý phân chia tài sản, đặc biệt liên quan tới đất đai, luật sư Hồng Thái cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, có thể gây mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, khi có ý định phân chia tài sản, cha mẹ cần công khai minh bạch ngay từ đầu với các con, giải thích lý do và cách thức phân chia.
“Một buổi họp gia đình có thể giúp mọi người hiểu rõ nguyện vọng của bố mẹ và tránh hiểu lầm sau này”, ông Hồng Thái nói.
Vị luật sư khuyên, một khi quyết định trao tặng tài sản, cha mẹ nên lập văn bản tặng cho hoặc di chúc có công chứng để tránh tranh chấp về sau. Nếu tài sản được trao cho con trai và con dâu cùng đứng tên, cần ghi rõ điều này để đảm bảo quyền lợi cả hai bên.
Cha mẹ cũng có thể nhờ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý tư vấn để đảm bảo việc phân chia tài sản đúng pháp luật và công bằng. Trong trường hợp bất đồng, gia đình nên nhờ người có uy tín hoặc một bên trung lập giúp hòa giải.
“Một khi đối đãi nhau bằng sự yêu thương, bao dung và đồng thuận sẽ không có bất công nào xảy ra trong chính gia đình mình”, ông Thái nói.