Với đức tính cần cù, ham học hỏi, anh Trần Văn Thạch ở thôn La Mát, xã Phù Ủng (Ân Thi) đã xây dựng thành công mô hình nuôi bò và máy cuộn rơm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Máy cuộn thu gom rơm sau mỗi mùa gặt
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Văn Thạch cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi bò từ 10 năm trước, tôi nhận thấy chăn nuôi bò không khó chỉ cần chuồng trại thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông và cung cấp đủ thức ăn thì bò sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò phát triển mạnh, từ số lượng ít ỏi ban đầu đến nay gia đình anh Thạch đã có trên 100 con gồm bò sinh sản và thương phẩm.
Theo kinh nghiệm của anh Thạch, để nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao thì việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Đầu tiên, cần chọn giống bò có bộ xương to, vai rộng, ức sâu, phàm ăn. Ngoài ra, khi mua bò về phải tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng…
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình anh Thạch tự trồng cỏ voi và mua máy cuộn rơm để thu hoạch rơm làm thức ăn dự trữ. Anh Thạch nhận thấy, sau khi thu hoạch lúa xong, người dân thường đốt rơm hoặc bỏ lại trên các cánh đồng. Điều đó vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Anh đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy cuộn rơm để làm thức ăn dự trữ cho bò. Anh Thạch chia sẻ với chúng tôi về máy cuộn rơm: Mỗi giờ máy có thể cuộn được từ 80-120 cuộn, một ngày máy có thể cuộn được 3 tấn rơm. Rơm được cuộn xong sẽ được tập kết trong kho làm thức ăn cho bò được khoảng 6 tháng. Theo tính toán của anh Thạch, nguồn thức ăn từ rơm cho bò tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra anh còn bán cho thương lái với giá từ 20–24 nghìn/cuộn rơm.
Nhờ chủ động về nguồn thức ăn cũng như tiêm phòng vắc–xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên đàn bò của gia đình anh phát triển tốt. Mỗi năm gia đình anh xuất bán được từ 30-40 con bò. Sau khi trừ chi phí cho thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Anh Thạch vận chuyển rơm về làm thức ăn cho bò
Mô hình nuôi bò tuy không mới nhưng anh Thạch đã sáng tạo kết hợp cùng máy cuộn rơm để chủ động nguồn thức ăn cho bò đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.