×

Từ 1/1/2025, dừng, đỗ xe ở 14 vị trí này sẽ bị xử phạt

14 vị trí cấm dừng, đỗ xe khi tham gia giao thông đường bộ từ 01/01/2025? Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định nào?

14 vị trí cấm dừng, đỗ xe khi tham gia giao thông đường bộ từ 01/01/2025?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 18 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, 14 vị trí cấm dừng, đỗ xe khi tham gia giao thông đường bộ từ 01/01/2025 bao gồm:

(1) Bên trái đường một chiều;

(2) Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất;

(3) Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép;

(4) Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe;

(5) Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường;

(6) Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;

(7) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

(8) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;

(9) Điểm đón, trả khách;

(10) Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào;

(11) Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;

(12) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

(13) Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;

(14) Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.

Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới

14 vị trí cấm dừng, đỗ xe khi tham gia giao thông đường bộ từ 01/01/2025? (Hình từ Internet)

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định nào?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 18 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về dừng xe, đỗ xe như sau:

Điều 18. Dừng xe, đỗ xe

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của xe trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên xe, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe hoặc hoạt động khác. Khi dừng xe không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái, trừ trường hợp rời khỏi vị trí lái để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe nhưng phải sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của xe không giới hạn thời gian. Khi đỗ xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được rời khỏi xe khi đã sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải đánh lái về phía lề đường, chèn bánh.

3. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe;

b) Không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

[…]

Như vậy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định sau đây:

– Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe;

– Không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

CSGT dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát dựa vào căn cứ nào?

Căn cứ Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ như sau:

– Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác;

– Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được;

– Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh;

– Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ngoài ra, để CSGT phát hiện ra các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại Điều 67 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định các biện pháp để CSGT phát hiện vi phạm như sau:

– Vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hệ thống camera trên tuyến giao thông, trong đô thị; công trình, hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe cơ giới.

– Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ.

– Khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; tiếp nhận dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe.

– Khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

– Quan sát, kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu trực tiếp của người thực thi công vụ.

– Tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị, dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Chính phủ.

– Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Related Posts

Our Privacy policy

https://kenhtina.com - © 2025 News