Mỗi lần mẹ chồng ra Hà Nội chơi là lại đi buôn chuyện khắp tầng, so sánh nhà mình với nhà hàng xóm, rồi về nhà chê bai, góp ý với con dâu.

Vợ chồng tôi sống ở Hà Nội. Nhà có 2 con nhỏ. Quê chồng ở xa, thi thoảng mẹ chồng mới ra thăm các cháu.

Ngày xưa, khi chúng tôi còn ở nhà mặt đất, nhà nào biết nhà đấy thì mỗi lần bà ra, gia đình sum vầy, vui vẻ lắm. Tôi cũng chưa làm bà phật ý bao giờ. Nhưng từ khi chuyển về chung cư, bước ra cửa là thấy hàng xóm, mỗi lần ra nhà tôi chơi, bà lại có dịp giao lưu với cả tầng.

Một lần, tôi thấy bà về khoe mẹ chồng nhà hàng xóm được các con biếu mỗi tháng 4 triệu đồng với thái độ xuýt xoa, ganh tị.

Thú thực, vợ chồng tôi mua căn nhà này vẫn còn nợ ngân hàng vài trăm triệu nên vẫn đang ki cóp để trả nợ. Thi thoảng, dịp lễ Tết, giỗ chạp, chúng tôi mới biếu ông bà 1 – 2 triệu để mua sắm thêm, chứ không có đều đặn hàng tháng.

Hơn nữa, ông bà ở nhà cũng có lương, có cả nguồn thu từ vườn rau, ao cá, chưa đến nỗi quá khó khăn. Nhưng nghe mẹ chồng nói thế, đến hôm bà về, tôi cũng biết ý biếu bà chút tiền cho bà vui lòng.me chong.jpgMỗi lần mẹ chồng ra chơi, nhà tôi lại lục đục. Ảnh minh họa: Asianparent
Chưa dừng ở đó, có vẻ từ khi nhà tôi về chung cư, bà lại thích ra Hà Nội chơi nhiều hơn. Vì cùng tầng có nhiều bà cũng ra chăm cháu, bà có “cạ” để tám chuyện.

Các bà cứ ngồi nói chuyện với nhau từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, nói mãi vẫn chưa hết chuyện. Chỉ vài lần ra chơi, mẹ chồng tôi biết hết tung tích, gia phả 3 đời của các gia đình. Ngược lại, hàng xóm biết gì về nhà tôi cũng đều “khoe” hết với bà.

Mới đây, bà về phàn nàn với vợ chồng tôi chuyện thằng Bin đi học trường tư, học phí 10 triệu/tháng. Trong khi hàng xóm cho con học trường công, mỗi tháng chỉ có 2 – 3 triệu đồng.

Chồng tôi giải thích lý do, nhưng bà không hiểu. Bà bảo, “anh chị học trường làng cũng thành tài đấy thôi, giờ có tí tiền là vẽ chuyện”.

Mẹ chồng tôi dường như lấy chuẩn của nhà hàng xóm về soi vào nhà tôi. Món đồ nào của hàng xóm xịn hơn, thì bà về khoe, gợi ý chúng tôi mua. Món nào nhà tôi đắt tiền hơn, bà lại chê là lãng phí, rằng nhà hàng xóm chỉ dùng loại rẻ thôi.

Nghe bà so sánh, tôi thấy mệt mỏi vô cùng.

Thậm chí, bà còn so sánh con tôi với con nhà hàng xóm, nào là béo gầy, cao thấp, năm nay có được học sinh giỏi hay không… Nói chung, chuyện gì bà cũng góp ý và đem ra so sánh.

Tôi biết chồng tôi cũng có lúc bực với bà, nhưng anh nhịn vì bà là mẹ ruột.

Đỉnh điểm, bà nói bóng nói gió trước mặt tôi, khen con dâu nhà hàng xóm “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xởi lởi, hào phóng với mẹ chồng. Chắc bà đang nói tới chị hàng xóm mới lên chức trưởng phòng, khéo ăn nói, nội trợ cũng chu toàn.

Tôi nghe bà nói vậy thì nóng mặt quá, không nhịn thêm được nữa.

Lấy lại bình tĩnh, tôi thong thả bảo: “Vâng, chị N. tốt số thật! Lấy chồng cái được nhà chồng mua ngay cho nhà cửa, xe ô tô, chẳng phải lo toan gì. Lương tháng chỉ phải lo miệng ăn 2 vợ chồng với 1 đứa con”.

Nghe tôi nói xong, mẹ chồng tái mặt, im lặng không nói năng gì. Bà biết tôi đang đáp trả lại bà. Vì vợ chồng tôi đến với nhau hai bàn tay trắng, một tay mua nhà, mua xe, không ai giúp đỡ đồng nào.

Chị N. rộng rãi với mẹ chồng, là bởi trước đó nhà chồng chị đã cho anh chị cả gia sản cỡ chục tỷ đồng. Bây giờ, mỗi tháng chị biếu lại ông bà vài triệu có là gì, còn chưa bằng số lãi chị gửi khoản tiền tiết kiệm được thừa kế.

Tôi vốn không đòi hỏi bố mẹ phải giúp đỡ mình bao giờ. Độc lập vẫn là hạnh phúc nhất. Nhưng mẹ chồng đã nói đến nước này thì tôi không nhịn được nữa.

Tối hôm đó, tôi cũng kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Tôi bảo: “Anh bảo bà ít sang hàng xóm thôi. Mấy bà rảnh việc lại cứ hay đi buôn chuyện, chuyện tốt thì ít mà soi mói, so sánh nhà này nhà kia thì nhiều”.

Chồng tôi hiểu ý nhưng vẫn bênh: “Thỉnh thoảng, bà ra có mấy ngày mà em lại cấm bà sang hàng xóm. Em cứ coi như không nghe thấy gì, bà nói gì kệ bà”. Từ hôm đó, tôi vẫn ấm ức mãi và không biết làm thế nào để xử lý chuyện này.