×

Giáo viên sắp được tăng lương và hưởng mức phụ cấp cao nhất trong hệ thống bảng lương

 Ngày 25-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết kết quả đánh giá, tổng kết thực trạng thi hành pháp luật về nhà giáo những năm qua cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được, đội ngũ nhà giáo và công tác phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp còn tồn tại những bất cập, cần thiết phải có một luật riêng để giải quyết.

Đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất và có thêm phụ cấp- Ảnh 1.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 37, ngày 25-9

Dự án Luật Nhà giáo đã xây dựng các quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Theo đó, quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ”.

“Dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật”- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay.

Việc này, nhằm giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn…

Dự thảo Luật quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo quy định tại Luật này có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, để đảm bảo nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo Luật quy định tại Điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”.

Dự thảo Luật cũng đề xuất giao Chính phủ quy định thang, bảng lương và các nội dung liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.

Thẩm tra về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban ban đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.

Thường trực Ủy ban cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên, cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách. Có ý kiến đề nghị cần rà soát các chính sách hỗ trợ, thu hút để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng; bổ sung chính sách thu hút người có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, giữ sinh viên xuất sắc ở lại trường làm giảng viên đại học.

Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với việc xây dựng quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo để cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường nêu rõ việc cải cách tiền lương cho nhà giáo là rất khó khăn, phức tạp, cần nghiên cứu, rà soát để linh hoạt hơn khi triển khai. Theo đó, có thể nghiên cứu theo hướng có chế độ đãi ngộ, thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục, tránh tình trạng “sống lâu thành lão làng”, trong khi những người giỏi vào ngành giáo dục sau thì không có chính sách khuyến khích.

Related Posts

Our Privacy policy

https://kenhtina.com - © 2025 News