Về nhà sớm hơn mọi ngày, tôi đi từ trước ra sau không thấy vợ con đâu. Tôi bước vào phòng thì phát hiện vợ nằm lướt điện thoại, bên cạnh không có con gái.
Muốn vợ con có cuộc sống thoải mái, tôi không quản ngại vất vả, làm cùng lúc nhiều việc. Vì tính chất công việc, tôi thường đi sớm về khuya, chẳng mấy khi lo được việc nhà. Thế nên, tôi đề nghị vợ nghỉ việc ở nhà nội trợ, chăm con.
Khi con gái học mẫu giáo, vợ tôi có thể đi làm trở lại hoặc nếu không thích cô ấy cứ ở nhà nội trợ. Vợ nhất trí với kế hoạch của tôi. Cô ấy chấp nhận lùi lại lo cho gia đình. Tôi rất biết ơn sự hy sinh của cô ấy.
Thời gian vợ ở nhà nội trợ, tôi chưa từng có thái độ, hành động khiến cô ấy tủi thân.
Năm ngoái, con gái tôi đến t.uổi đi nhà trẻ. Chúng tôi chọn cho con một trường học gần nhà. Con đi học được 1 năm nhưng vợ tôi vẫn chưa đi làm lại. Cô ấy nhờ đồng nghiệp cũ tìm việc nhưng chưa có chỗ làm như mong muốn.
Vợ tôi nói những công việc đó có giờ giấc không ổn định, khó sắp xếp thời gian để đưa đón con. Từ đó, tôi không thấy vợ nhắc đến chuyện đi làm. Cô ấy chỉ quanh quẩn với việc nhà, đưa đón con.
Con đi học, việc nhà ít hơn. Thế nên, vợ tôi thường giải trí bằng cách lướt điện thoại.
Gần đây, tôi thấy vợ có biểu hiện nghiện mạng xã hội. Cô ấy thích cập nhật hoạt động, tâm sự lên Facebook, TikTok…
Trong những chuyến du lịch của gia đình, tôi cảm thấy khó chịu khi cô ấy liên tục nhờ chụp ảnh, quay video. Đến giờ ăn, bố con tôi phải ngồi chống cằm chờ cô ấy chụp ảnh, quay lại từng món ăn. Đợi cô ấy đăng bài xong, cả nhà mới được ăn.
Không chỉ chăm đăng bài, vợ tôi còn tranh luận, thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng rất sôi nổi. Cô ấy tham gia rất nhiều hội nhóm, diễn đàn, đặc biệt là hội nhóm hóng chuyện, tẩy chay người khác.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi bạn bè, người thân “tag” tên tôi vào những bài đăng, bình luận tiêu cực của vợ trên mạng.
Tôi góp ý nhẹ nhàng, muốn vợ dành thời gian ra ngoài giải trí. Thế nhưng, cô ấy khóc lóc, nói thích ở nhà hơn ra ngoài. Cô ấy cảm thấy tự ti, khó hòa nhập.
Mấy ngày trước, tôi về nhà lúc 17h30, sớm hơn thông thường. Trên đường về, tôi ghé mua một vài món ngon mà vợ con yêu thích. Tôi háo hức và hình dung cảnh vợ con ngạc nhiên, thích thú. Thế nhưng, người bất ngờ, choáng váng lại chính là tôi.
Thấy cửa nhà không khóa, tôi giữ im lặng, bước nhè nhẹ vào bên trong. Tôi đi từ phòng khách xuống đến bếp nhưng không thấy vợ con. Tôi đẩy cửa phòng ngủ bước vào thì thấy vợ đang nằm lướt điện thoại, bên cạnh không có con gái.
Tôi hỏi con đâu thì cô ấy nói hôm nay có việc đột xuất nên đón con trễ. Tiếp đó, cô vội vàng khoác thêm áo, chuẩn bị đi rước con. Nhưng tôi ngăn lại, không cho cô ấy ra ngoài và tự mình đi đón con.
Vì trường học rất gần nên tôi chỉ mất khoảng 10 phút di chuyển. Đến nơi, tôi thấy lớp học vắng hoe, con gái tôi cùng một bạn khác ngồi chờ ở cửa lớp.
Cô giáo đang lau dọn phòng học, thấy tôi liền vui vẻ chào: “Lâu lắm, em mới thấy anh đến rước cháu”. Sau đó, cô giáo quay sang nói với con tôi: “Nay, bố đến đón nên Su được về sớm hơn mọi ngày nè. Su có vui không?”.
Câu nói của cô giáo vô tình hé lộ chuyện tôi bị vợ qua mặt. Bấy lâu, tôi cứ đinh ninh vợ đón con gái đúng giờ. Nhưng, sự thật là ngày nào con tôi cũng tựa cửa lớp, mòn mỏi đợi mẹ đến tận 18h.
Về nhà, tôi và vợ xảy ra tranh cãi lớn tiếng. Trong cơn nóng giận, tôi đ.ập nát điện thoại của vợ.
Mấy ngày qua, vợ chồng tôi “chiến tranh lạnh”, không đả động đến đối phương. Lần này, tôi quyết không lùi bước. Tôi muốn vợ nhận ra cái sai của mình để sửa đổi.
Tôi không biết mình làm như vậy có đúng hay không nhưng quả thật, tôi không thể bỏ qua lỗi bỏ mặc con của vợ.