Là một nhân vật kiệt xuất, mưu lược hơn người nhưng đáng tiếc là Gia Cát Lượng chỉ sống được đến tuổi 54. Nguyên nhân khiến ông không thể đồng hành cùng Thục Hán lâu hơn là gì
Gia Cát Lượng, sinh năm 181, mất năm 234, là Thừa tướng của nước Thục Hán thời Tam Quốc. Ông sinh ra tại đất Dương Đô, quận Lang Nha, Từ Châu (huyện Nghi Nam, Lâm Nghi, Sơn Đông ngày nay), là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà phát minh kiệt xuất của thời kỳ Tam Quốc.
Tác phẩm tiêu biểu của ông là tản văn “Xuất sư biểu”, “Giới tử thư”. Ông còn phát minh ra trâu gỗ, ngựa máy, đèn Khổng Minh (đèn trời).
Cả đời Gia Cát Lượng “cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi”, là nhân vật tiêu biểu cho trung thần và người thông thái trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Mắc nhiều bệnh trọng
Gia Cát Lượng qua đời tại Ngũ Trượng Nguyên vì bệnh tật, “Tam quốc diễn nghĩa” và “Tam quốc chí” đều không ghi chép lại rõ ràng.
Căn cứ vào thói quen sinh hoạt của Gia Cát Lượng được miêu tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, chúng ta đại khái có thể suy đoán, rất có thể ông mắc bệnh về đường tiêu hoá cùng bệnh về tim và mạch máu não.
“Tam quốc diễn nghĩa” nhiều lần miêu tả cảnh Gia Cát Lượng thổ huyết, rất có thể đó là triệu chứng do loét đường tiêu hoá gây nên. Theo tài liệu “Bệnh ký học” chuyên ngành, khi người bị loét đường tiêu hoá phát bệnh, họ luôn gặp phải hiện tượng đi ngoài ra phân đen và nôn ra máu. Nguyên nhân chủ yếu gây ra do mạch máu dưới vết loét bị bào mòn rạn nứt.
Trong cuộc đời Gia Cát Lượng, thời gian làm việc và nghỉ ngơi của ông không khá thất thường, không hình thành được thói quen tốt.
Gia Cát Lượng được ghi lại là người có chế độ ăn uống ngủ nghỉ không khoa học, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ông.
Thời trẻ, tính tình ông phóng khoáng, khi thì chèo thuyền con đi du ngoạn giang hồ, khi thì viếng thăm người tu hành trên núi cao, khi thì tìm bạn bè nơi thôn xóm, khi thì vui với việc cầm kỳ trong động phủ. Có thể nói, Gia Cát Lượng ăn không theo suất, ngủ không theo giờ, thiếu rèn luyện cơ thể một cách tích cực và điều độ.
“Tỉnh giấc trong căn lều cỏ, ngoài kia mặt trời chưa lên” là chân dung cuộc sống của ông.
Từ sau khi cùng Lưu Bị xuống núi, Gia Cát Lượng càng thiếu những hoạt động chân tay cần thiết. Mỗi lần đánh trận ông chỉ đều “phe phẩy quạt lông, ngồi trên xe đẩy”, cơ thể giữ ở một tư thế trong thời gian dài ắt sẽ ảnh hưởng tới tiêu hoá thức ăn.
Ngoài ra, Gia Cát Lượng còn là một người nghiện công việc đến quên ăn quên ngủ, điều này càng tăng thêm gánh nặng cho chức năng hệ tiêu hoá.
Vào lần Bắc phạt cuối cùng, sức ăn của Gia Cát Lượng giảm sút nghiêm trọng. Tin tức này đúng lúc lại bị đối thủ một mất một còn của ông là Tư Mã Ý biết được. Khi ấy Tư Mã Ý đã nói: “Khổng Minh ăn ít làm nhiều, liệu còn sống được bao lâu?”
Hình ảnh Gia Cát Lượng trên phim truyền hình. Mỗi lần xuất chinh, ông đều ngồi trên xe đẩy ra chiến trường.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa” cũng có nhiều đoạn miêu tả về việc Gia Cát Lượng ngất xỉu. Đây là dấu hiệu của nhiều loại bệnh, ví dụ như cao huyết áp, xuất huyết não, thiếu máu, hạ đường huyết.
Những bệnh kể trên có liên quan trực tiếp với áp lực công việc lớn, chịu kích thích thần kinh trong thời gian dài, cảm xúc không được điều tiết, mất cân bằng dinh dưỡng.
Đối diện với quá nhiều áp lực
Gia Cát Lượng là một người nội tâm vô cùng nhạy cảm, ông không thể giải quyết khó khăn một cách nhẹ nhàng, mỗi một sơ suất trong công việc đều sẽ mang tới gánh nặng tinh thần rất lớn cho ông.
Hơn nữa ông còn là một người coi trọng thể diện, Bắc phạt nhiều lần thất bại, không thể thực hiện lời hứa với người đời khiến ông vô cùng sốt ruột, lo canh cánh trong lòng. Cái chết liên tiếp của những đại tướng bên mình càng khiến ông đau lòng không thôi.
Lần thứ hai Bắc phạt, nhìn thấy con trai Triệu Vân đến báo tang, Gia Cát Lượng quăng chén xuống đất, nói: “Tử Long chết rồi!” Ông còn giậm chân khóc rằng: “Tử Long qua đời, đất nước mất đi rường cột, ta cũng mất đi một cánh tay!”
Lần Bắc phạt thứ ba, Gia Cát Lượng dùng mưu kế khiến Tư Mã Ý thất bại thảm hại, nhưng bỗng nghe có người báo Trương Bào qua đời, vậy là Khổng Minh bật khóc nức nở, miệng ói máu tươi, ngất lăn ra đất, từ đó, ông ốm liệt giường không dậy được, quân Thục không thể không từ bỏ tấn công, rút về Hán Trung.
Năm xưa Lưu Bị qua đời vì bệnh, cũng chẳng thấy Gia Cát Lượng đau lòng tới mức ấy, tại sao tổn thất một đại tướng lại khiến ông đau đớn cực độ? Đó là bởi cuộc chiến kéo dài tới thời điểm này, Thục Hán đã rơi vào tình trạng thiếu binh ít tướng.
Hình ảnh Gia Cát Lượng trên phim truyền hình.
Cái chết của Trương Bào đồng nghĩa với việc sức tấn công của Khổng Minh lại yếu đi một phần, giành thắng lợi sẽ càng khó khăn hơn.
Lần Bắc phạt thứ sáu, Gia Cát Lượng bỗng nhận tin Quan Hưng qua đời vì bệnh. Khổng Minh khóc nức nở, ngất lăn ra đất, hồi lâu mới tỉnh lại.
Các tướng khuyên can hết lần này đến lần khác, Khổng Minh than rằng: “Đáng thương thay cho một người trung nghĩa, ông trời không cho sống thọ! Lần này ta ra trận, lại thiếu đi một đại tướng rồi!”
Nhiều lần đánh Trung Nguyên không thành công, nội tâm Gia Cát Lượng đã trở nên vô cùng mong manh, không thể chịu đựng thêm đả kích nữa.
Thấy Tư Mã Ý chỉ lo phòng thủ, Gia Cát Lượng không thể dùng mưu để thắng, đành gửi gắm hy vọng vào quân liên minh với Đông Ngô, cùng nhau hành động.
Ai ngờ lại thêm một tin dữ nữa truyền đến: “Vua nước Nguỵ Tào Duệ nghe tin Đông Ngô tiến quân theo ba đường, bèn dụ đại quân đến Hợp Phì, lệnh cho Mãn Sủng, Điền Dự, Lưu Thiệu chia làm ba đạo quân đón địch.
Mãng Sủng tính kế đốt sạch lương thảo và vũ khí của Đông Ngô, khiến quân Ngô điêu đứng. Lục Tốn dâng tấu lên vua nước Ngô, giao hẹn sẽ đánh gọng kìm trước sau, không ngờ người đưa bản tấu lại bị quân Nguỵ bắt được giữa đường, vì thế mưu kế đã bị lộ, quân Ngô chưa đánh đã rút.”
Khổng Minh nghe xong thư này thì thở dài một tiếng, không khỏi ngất xỉu, ngã vật ra đất, hồi lâu ông mới tỉnh lại.
Sau lần liên thủ tấn công này của Ngô và Thục bị Tào Nguỵ làm cho tan rã, Gia Cát Lượng hoàn toàn suy sụp.
Khổng Minh than rằng: “Lòng ta hoang mang, bệnh cũ tái phát, e rằng không thể sống tiếp.” Ban đêm Khổng Minh ra khỏi màn trướng quan sát thiên văn, ông vô cùng sợ hãi, vào màn trướng nói với Khương Duy rằng: “Mệnh của ta sắp kết thúc rồi!”
Hình ảnh Gia Cát Lượng ốm bệnh nằm trên giường.
Những cái chết liên tiếp của các tướng lĩnh tài ba trong chiến dịch Bắc Phạt, đặc biệt là lão tướng Triệu Vân là những cú đả kích mạnh mẽ giáng vào tinh thần của Khổng Minh khiến ông mỗi lúc một suy sụp. Kết hợp với sực lao lực, ăn ít làm nhiều và những trọng bệnh có sẵn trong người, Gia Cát Lượng khó có thể chống đỡ lại được.
Cuối tháng 8 năm Kiến Hưng thứ 12 (tức năm 234), ông qua đời vì ốm bệnh ngay trong chiến dịch Bắc Phạt lần thứ 6, thọ 54 tuổi.