Em có mảnh đất đứng tên mình, muốn bán nhưng hàng xóm luôn tìm cách “chơi khăm”, gây khó dễ khiến không khách nào muốn mua.
Mảnh đất trống ở ngoại ô, em chỉ mua coi như của để dành chứ không ở đã 7 năm nay. Người hàng xóm sống sát cạnh, ban đầu rất thân thiện, nói sẽ giúp em trông nom, sau đó xin đặt chuồng gà và trồng rau nhờ trên đó. Em xác định không ở nên cũng vui vẻ đồng ý.
Mỗi lần em đưa khách đến xem, họ đều đến nói ra nói vào, khiến khách khó chịu. Tuần trước em dẫn người xuống xem, họ còn làm biển “đất tranh chấp”, cắm ở đất nhà họ nhưng chỉ mũi tên sang phía mảnh đất của em. Dù em đã giải thích, khách mua đất thấy vậy thì ra về luôn, bảo rằng đất có đẹp nhưng có hàng xóm vậy cũng chẳng muốn mua. Em báo chính quyền xã ở đó, nhưng họ chỉ dừng ở mức hòa giải, được vài hôm lại đâu vào đó.
Giờ em muốn bán đất nhanh mà không biết làm gì với người hàng xóm phiền hà này. Em có thể khiếu nại hay kiện họ không? Nếu kiện thì vì tội danh hay hành vi gì?
Xin độc giả và luật sư cho em lời khuyên, em nên làm gì?
Theo thông tin cung cấp, người hàng xóm đã có hành vi phạm vào khoản 10 Điều 12 Luật Đất đai 2013 như “cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Điều 169 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định vể quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Theo đó, khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.
Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, luật sư khuyên Giang trao đổi, yêu cầu người hàng xóm chấm dứt hành vi cản trở. Nếu không có kết quả, chị có thể làm đơn gửi UBND xã, phường nơi có mảnh đất đề nghị giải quyết, xử lý vi phạm của người hàng xóm.
Trường hợp họ vẫn cố tình cản trở, gây khó dễ đối với việc bán đất, chị Giang có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật nêu trên và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.