Không phải “Ông hoàng nhạc đỏ”
– Sau nhiều năm “lỡ hẹn” Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi do Báo VietNamNet phối hợp với IBgroup Việt Nam tổ chức sản xuất, cảm xúc trong anh thế nào?
Tôi vinh dự khi được tham gia những mùa đầu tiên của Điều còn mãi. Dù lúc đó hay bây giờ, tôi đều không khỏi bồi hồi, hạnh phúc khi được cất cao tiếng hát trong thời khắc quan trọng – ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9.
Cảm ơn báo VietNamNet đã cho tôi và các nghệ sĩ có cơ hội thể hiện nhiều tác phẩm giá trị của các nhạc sĩ qua từng thời kỳ, mang đến những thông điệp của đất nước.
– Với đặc thù số lượng tác phẩm giới hạn của dòng nhạc đỏ, đã bao giờ anh chán vì phải hát đi hát lại một số ca khúc nhất định?
Thực trạng trên đúng là có, nhưng chúng tôi hát vì khán giả vẫn yêu và muốn nghe nhạc cách mạng. Có những bài họ đã nghe cả nghìn lần, thậm chí hơn, song vẫn muốn được thưởng thức lại.
Ca sĩ Trọng Tấn. Ảnh: Tư liệu
Khán giả nhạc đỏ vô cùng chung thủy, chính tình yêu thấm đẫm và không thay đổi đó tạo nên sức sống trường tồn của các tác phẩm theo thời gian.
Trên kênh YouTube của tôi, có những khán giả đã nghe và chia sẻ cảm xúc về các bài Việt Nam quê hương tôi, Tiếng đàn bầu, Nơi đảo xa, Đất nước tình yêu… năm này qua năm nọ. Khi được công chúng đón nhận, tôi chỉ trung thành với dòng nhạc đó.
– Được nhiều đơn vị báo chí gọi là “Ông hoàng nhạc đỏ”, anh nghĩ sao?
Có thể các nhà báo vì yêu quý tôi mà gọi vui như vậy. Tuy nhiên, tôi không phải ông vua, ông hoàng gì cả, chỉ là một nghệ sĩ bình thường như bao đồng nghiệp khác.
Bản chất của những từ mỹ miều đó là tình yêu và sự khích lệ, tôi vui và trân quý nhưng không bao giờ đội lên đầu như một chiếc vương miện. Cả cuộc đời dài làm nghệ thuật, mỗi bước đi của tôi đều hướng đến công chúng thay vì những danh hiệu, danh xưng.
– Nhiều khán giả trẻ, nhất là trong miền Nam, mong muốn nghe Trọng Tấn thể hiện thêm nhiều thể loại khác, nhất là nhạc trẻ vì “nếu không sẽ rất phí”. Anh sẽ cân nhắc đề nghị này?
Tôi thỉnh thoảng vẫn hát thể loại âm nhạc khác trong một số chương trình, từng ra CD nhạc pop thời vàng son của nhạc sĩ Từ Huy, Thanh Tùng… Tôi cũng kết hợp một số nghệ sĩ nổi tiếng mảng khác như Mỹ Tâm, Thu Minh, Bùi Anh Tuấn… Đó là những cuộc dạo chơi để âm nhạc thêm thi vị.
Tuy nhiên, âm nhạc hiện tại rất khác xưa và là sân chơi của nghệ sĩ gen Z. Trong tương lai, có thể tôi cân nhắc vài sản phẩm như vậy trong chừng mực nào đó. Với người hát nhạc đỏ gần 30 năm như tôi, dạo chơi một chút cũng thành công rồi.
Gọi nhà tôi là “biệt thự triệu đô” hơi “đao to búa lớn”
– Một ngày không đi diễn, anh thường làm gì?
Ngoài đi diễn, tôi còn giảng dạy tại khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ở nhà, tôi thường dành thời gian làm vườn, chơi với các con vật nhỏ cho thư giãn.
Nhà Trọng Tấn ở Hà Nội với nhiều cây xanh. Ảnh: FBNV
Tôi yêu thiên nhiên nên sống ở thành phố hay vùng quê đều không thể thiếu không gian xanh và các con vật. Ở độ tuổi không còn trẻ, tôi hướng đến sự tĩnh lặng bên ngoài lẫn bên trong.
Khi đào đất trồng cây, thu hoạch quả hay chăm hoa, tôi đẩy mọi suy nghĩ ra khỏi đầu, gần như một kiểu thiền động, rất tốt cho sức khỏe và tâm trí.
Nhà tôi có 1 con chim cu gáy, đôi mèo Bengal và vài con cá Koi. Ai nuôi động vật lâu sẽ thấy chúng như những người bạn, biết đi thưa về chào và rất quấn quýt chúng ta. Có những chú mèo con tôi tặng cho bạn bè, xa cả tháng trời vẫn nhận ra chủ cũ.
Tôi cũng thường tập đàn, chia sẻ với các con những câu chuyện âm nhạc và nghề nghiệp; thỉnh thoảng ra ngoài thăm thú bạn bè.
– Ngày nay, người ta cứ tích lũy đủ tài sản liền “bỏ phố về quê”, nhiều nghệ sĩ đã áp dụng rất thành công. Vợ chồng anh khi nào định về hẳn biệt thự ở Thanh Hóa?
Tôi tin ai cũng có tình cảm, sự hoài niệm dành cho cảnh sắc thiên nhiên, nhất là nơi mình sinh ra, muốn trở về để sống nhẹ nhàng, bình yên. Chúng ta lên thành phố mưu sinh, tích lũy, đến độ tuổi nhất định lại nghĩ về quê nhà, dường như sự trở về đã bắt đầu từ lúc ra đi.
Nhà Trọng Tấn ở Thanh Hóa. Ảnh: FBNV
Tôi cũng không ngoại lệ, đó là lý do hai vợ chồng xây nhà ở quê. Ngôi nhà không lớn, chỉ vài trăm mét vuông, đủ để trồng cây quanh nhà.
Mỗi năm, tôi cùng vợ con lại về đây quây quần, thăm họ hàng; thỉnh thoảng đi loanh quanh những nơi gắn với “tuổi thơ dữ dội” như một cách tự xoa dịu tâm hồn, làm mát những bộn bề, căng thẳng nơi đô thị vội vã.
– Nhiều người nghĩ ca sĩ nhạc đỏ không có nhiều show, thu nhập không cao nhưng Trọng Tấn, Việt Hoàn toàn gắn với những từ khóa như “biệt phủ”, “biệt thự triệu USD”, “nhà cao cửa rộng”… Sự thật thế nào?
Với nghệ sĩ, chuyện chúng tôi cống hiến được gì, có bao nhiêu tác phẩm, chương trình để đời… đáng bàn hơn chuyện tiền bạc, vật chất.
Dĩ nhiên, một nghệ sĩ hoạt động gần 30 năm như tôi chắc chắn có sự chắt chiu, tích lũy nhất định. Tình yêu của khán giả giúp tôi có được một ngôi nhà ở Hà Nội và mảnh vườn ở quê.
Trọng Tấn chơi với mèo Bengal trong căn biệt thự mặt phố Hoàng Cầu. Ảnh: FBNV
Nhà tôi hầu như chỉ có nhiều cây xanh. Có lẽ, các phóng viên ưu ái, đánh giá cao nên dùng từ hơi “đao to búa lớn” như “lâu đài”, “biệt phủ”… Thôi thì xem đó là thành quả từ quá trình tôi nỗ lực làm việc, tích cóp.
Ngoài âm nhạc, tôi còn kinh doanh tay ngang ẩm thực và đặc sản Thanh Hóa, 2 nhà hàng đến nay đã hoạt động 10 năm. Nhờ bà xã và đội ngũ nhân viên hỗ trợ, tôi không đến nỗi lao tâm khổ tứ, vẫn toàn tâm cho nghệ thuật và giảng dạy.
Cùng đi một chặng đường dài, không thể không biết ơn vợ
– Có con nối nghiệp là điều đáng mừng nhưng các em thế hệ Z, sau này là alpha, dường như ngày càng xa rời dòng nhạc cách mạng, lớn hơn là một giai đoạn lịch sử của đất nước. Là bố, là thầy lẫn người đi trước trong nghề, anh có tâm tư gì và định hướng con theo nghề thế nào?
Không chỉ riêng con tôi mà con các nghệ sĩ khác trong dòng nhạc này cũng vậy. Các bạn ngày nay tư duy về xã hội rất khác, cập nhật nhanh từ xu hướng đến công nghệ.
Chúng ta nên để các con thoải mái sống, yêu và cống hiến theo cách chúng muốn. Ở trường, Tấn Đạt vẫn học nhạc cổ điển, có thể hát tốt những bài Áo mùa đông, Ngày mai anh lên đường… dù hơi thở, ngôn ngữ thể hiện đã khác biệt so với thế hệ chúng tôi.
Đạt bắt đầu tự viết nhạc, hát cho bố nghe thử rồi đăng lên TikTok. Con muốn tự làm mọi thứ từ xây dựng hình ảnh đến tạo ra sản phẩm. Là bố, tôi chỉ khích lệ, chuẩn bị cho các con hành trang là kỹ thuật, kiến thức… thỉnh thoảng nhắc con đọc nhiều để chất văn thấm đẫm vào trong, từ đó viết các tác phẩm về tình yêu hay xã hội chất lượng hơn. Ngoài ra, các con có quyền lựa chọn cách yêu âm nhạc của riêng mình.
Người trẻ Việt Nam làm được rất nhiều điều. Trong bối cảnh thị trường đang phát triển sôi động, các bạn có trọng trách trở thành những ngôi sao sáng, tạo ra xu hướng và sức ảnh hưởng xã hội, từ đó đưa cả nền âm nhạc nói riêng và giải trí nói chung đi lên, xa hơn là hướng đến một ngành công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, Âu-Mỹ.
Vì vậy, tôi không quá trăn trở việc các bạn sao nhãng hay không còn hát được nhạc đỏ. Đang và sẽ luôn có một bộ phận người trẻ yêu thích, tiếp nối nhạc cổ điển, chính thống đến dân ca, chèo, tuồng, cải lương…
Vợ chồng Trọng Tấn – Thanh Hoa. Ảnh: FBNV
– Chị Thanh Hoa có ý nghĩa gì trong sự nghiệp và cuộc đời anh?
Thanh Hoa là hậu phương vững chãi cho tôi và các con. Dù không chuyên về âm nhạc (Thanh Hoa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và Ngoại ngữ, hiện là giảng viên ngoại ngữ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam – PV), cô ấy vẫn quán xuyến phần lớn việc để tôi chỉ tập trung vào hát.
Có câu “của chồng, công vợ”, sự nghiệp của tôi hôm nay chắc chắn có phần đóng góp của bà xã. Đời thường, cô ấy đảm đang, biết chăm sóc và xây dựng gia đình.
Tôi gần như hài lòng hoàn toàn về Hoa – mối tình đầu, vợ và nay là tri kỷ của mình. Người ta hay nói vui “đội vợ lên đầu sống lâu trăm tuổi”, đi với nhau một chặng đường dài như thế, không thể không biết ơn nhau.
Gia đình hạnh phúc của Trọng Tấn. Ảnh: FBNV
– Làm thế nào để sau ngần ấy năm, anh chị vẫn giữ được “lửa” hôn nhân, vẫn muốn ở bên nhau, gắn bó cùng nhau thay vì 2 từ “trách nhiệm”?
Chúng tôi từ bạn học chung lớp, chung trường cấp 3 mà yêu rồi cưới nhau. Tuy nhiên, từng chặng hôn nhân không tránh khỏi mâu thuẫn, trục trặc.
Lúc đó, mỗi người phải biết nhìn lại, ngẫm nghĩ, đặt mình vào đối phương để hiểu vì sao người kia hành động như thế. Hãy nhìn lại lúc bắt đầu, những chặng đường đã qua để biết trân trọng, cảm thông nhau, từ đó sẽ tìm thấy cách tháo gỡ khúc mắc.
Cùng nhau đi hơn nửa cuộc đời, vợ chồng tôi nương tựa nhau rất vững chắc, có thể chia sẻ mọi thứ từ công việc đến gia đình, định hướng tương lai. Tôi trân trọng mọi thứ Hoa đã làm cho mình.