Dù cố gắng làm đủ mọi cách song chúng tôi không thể giữ bà ở lại.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của cô Nhâm (32 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc) đang nhận được nhiều sự quan tâm trên nền tảng Toutiao.
Sau 4 năm yêu nhau, vợ chồng tôi đi đến hôn nhân. So với bên chồng, điều kiện kinh tế của gia đình tôi khá hơn. Bố mẹ tôi đều là giảng viên đại học. Lại chỉ có mình tôi, ông bà rất yêu chiều con gái.
Gia đình chồng tôi khó khăn hơn một chút. Anh ấy sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn. Điều kiện kinh tế khá eo hẹp. Tuy nhiên, chồng tôi lại rất thông minh và có chí hướng thoát nghèo. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ấy được mời vào công ty của nước ngoài với mức lương tương đối tốt.
Khi còn yêu nhau, tôi không quan tâm nhiều đến hoàn cảnh gia đình anh. Bố mẹ tôi cũng khá hài lòng về con rể và chấp thuận cho cuộc hôn nhân này được diễn ra.
Để con gái không phải vất vả, bố mẹ tôi tặng luôn cho con gái 1 căn hộ ở thành phố làm của hồi môn. Việc này giúp chúng tôi giảm tải áp lực rất lớn.
Sống ở thành phố, trong khi bố mẹ chồng vẫn ở quê nhà, đều đặn 1 tháng/lần, vợ chồng tôi lại lái xe về quê thăm nhà. Ở thời điểm đó, bố chồng tôi bị tai biến nhẹ. May bà vẫn khoẻ mạnh nên vẫn có thể chăm sóc ông.
Cho đến đầu năm nay, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, bố chồng tôi qua đời. Sau khi tổ chức xong tang lễ, vợ chồng tôi đề xuất đưa mẹ lên thành phố sống cùng. Bởi bà không còn khoẻ mạnh như trước. Việc để mẹ sống một mình ở quê không có con cháu kế bên quả thật chúng tôi hoàn toàn không yên tâm.
Ban đầu, bà không đồng tình với đề xuất này. Mẹ chồng tôi lo ngại việc 2 thế hệ sống cùng nhà dễ xảy ra những mâu thuẫn không đáng có. Từ chuyện nhỏ đó có thể làm mất đi tình cảm gia đình vốn vẫn bền chặt. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, bà cũng đồng ý lên thành phố sống cùng các con.
Vợ chồng tôi hiểu ở thành phố này chúng tôi là người thân duy nhất của bà. Nên cả hai đều cố gắng sắp xếp thời gian để về nhà ăn cơm, trò chuyện tâm sự với mẹ nhiều hơn để bà không có cảm giác cô đơn.
Ảnh minh họa>
Tôi còn cẩn thận đưa mẹ đi chào những người hàng xóm cùng tầng, nhằm tạo mối quan hệ. Chúng tôi cũng đưa bà đến khu chợ, công viên gần nhà để mẹ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở thành phố này.
Dù cố gắng hết sức, song dường như mẹ chồng tôi vẫn muốn trở về căn nhà ở quê. Tối hôm đó, sau đúng 1 tháng dọn lên thành phố, bà gọi vợ chồng tôi ra phòng khách để nói chuyện.
“Mẹ đã cố gắng thích nghi nhưng có lẽ ở đây không phù hợp. Hàng ngày, các con đi làm, mẹ chỉ biết quanh quẩn ở nhà hết xem TV lại dọn dẹp nhà cửa. Hàng xóm xung quanh đóng cửa kín mít nên mẹ cũng ngại làm phiền họ. Cuộc sống như vậy khiến mẹ mệt hơn ở quê. Có lẽ, mẹ sẽ về nhà”, bà ngậm ngùi chia sẻ.
Khi nghe những lời nói này, chồng tôi vội vàng gặng hỏi liệu con cháu có làm gì sai khiến bà không hài lòng không. Song mẹ gạt đi và chỉ khẳng định rằng muốn về quê.
Hiểu mong muốn của mẹ, ngay sáng hôm sau, chúng tôi đưa bà trở về nhà. Ngay khi vừa đến cổng, tôi thấy nét mặt của mẹ rạng rỡ trở lại. Gặp lại những người hàng xóm thân quen của mình, bà lại vui tươi như chưa có chuyện gì xảy ra.
“Mẹ thích cuộc sống ở nơi có có những người hàng xóm hiền lành chất phác này. Các con cứ trở về thành phố để tiếp tục công việc. Ở đây nếu có việc gì mẹ có mọi người hỗ trợ. Các con cứ yên tâm”, mẹ nói.
Đến lúc này, vợ chồng tôi hiểu ra: Không dễ dàng tách mẹ ra khỏi nếp sống với những người hàng xóm luôn coi nhau như người một nhà. Cuộc sống hối hả ở thành phố quả thật không thích hợp với mẹ. Về quê, mẹ có thể chăm sóc vườn cây của mình như một cách để tập thể dục hàng ngày, thỉnh thoảng trò chuyện, giao lưu với vài người hàng xóm thân thiết.
Để mẹ không thiếu tình thương của con cháu, đều đặn, hàng tuần gia đình tôi lại về quê ăn với bà bữa cơm. Vắng bóng người bạn đời, song giờ đây khi có mọi người gần gũi ở bên, mẹ chồng tôi lại vui trở lại. Bà không còn ủ dột như trước.