Nho “trái tim mùa thu” là dòng nho nổi tiếng của Nhật Bản. Loại nho này được người Nhật lai ghép từ giống nho Pareto của phương Tây và nho mẫu đơn (nho sữa) để tạo nên hương vị đậm đà ấn tượng kích thích vị giác. Khi ăn, nho trái tim có vị chua nhẹ nhưng càng ăn thì vị ngọt càng lan tỏa. Nnho “trái tim mùa thu” Nhật Bản có giá dao động từ 2-2,3 triệu đồng/kg, nằm trong top những loại nho đắt đỏ nhất thế giới.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc mở rộng diện tích trồng và đưa sang chợ Việt bán, loại nho “quý tộc” này từ hàng đắt đỏ đã trở thành bình dân.
Tại các cửa hàng cũng như trên chợ online, nho “trái tim mùa thu” Trung Quốc (hay còn gọi là nho sữa đỏ) được rao bán la liệt, phổ biến ở mức trên dưới 150.000 đồng/kg. So với các loại nho Trung Quốc có bán tại chợ Việt, nho trái tim có giá khá cao, nhưng vẫn siêu rẻ so với hàng Nhật Bản cùng loại.
Đáng chú ý, một chùm nho trái tim xuất xứ Trung Quốc có trọng lượng từ 1,5-2kg, gấp đôi trọng lượng một chùm nho trái tim Nhật Bản.
Tại chợ đầu mối trái cây online nhiều nhà bán hàng liên tục rao bán sỉ nho sữa đỏ với giá 550.000 đồng/thùng 9kg (4-6 chùm). Đây là mức giá bán sỉ cho khách lấy dưới 5 thùng mỗi lần. Với khách lấy trên 5 thùng, giá sẽ giảm còn 530.000 đồng/thùng, khoảng 59.000 đồng/kg.
Theo anh Tuấn chủ một vựa nhập trái cây cho biết “Nho sữa vào cuối mùa bên Trung Quốc thì nho trái tim bắt đầu chớm vụ thu hoạch. Năm nay, nguồn cung nho trái tim tăng mạnh nên ngay đầu vụ giá đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, trung bình mỗi ngày anh đổ sỉ cho các mối buôn nhỏ lẻ khoảng 1-1,5 tấn nho sữa đỏ.
“Khi vào chính vụ, nho trái tim này chắc chắn cũng rẻ như nho sữa”, anh dự báo. Bởi, đầu vụ nho sữa năm nay, giá anh đổ sỉ cho mối buôn ở mức 80.000-100.000 đồng/kg, sau đó hạ nhiệt dần và còn 20.000-40.000 đồng/kg tuỳ loại.
Cục BVTV siết chặt kiểm tra nho Trung Quốc nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn
Trao đổi với báo chí chiều 31/10 về vấn đề kiểm soát an toàn thực vật nho Trung Quốc nhập về Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay, mặt hàng nho đang áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ) trước khi thông quan.
Ngoài ra, còn hậu kiểm sau thông quan, tức Cục Bảo thực vật sẽ thực hiện chương trình giám sát bằng cách lấy mẫu kiểm tra.
Theo ông Hiếu, không chỉ nho, với nhiều mặt hàng trái cây nhập về Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đều thực hiện các chương trình giám sát để thu thập thông tin, số liệu nhằm ngăn chặn nguy cơ dẫn đến mất an toàn thực phẩm. Đồng thời, qua đó đánh giá mức độ an toàn thực phẩm với hàng nhập khẩu, phát hiện kịp thời để bổ sung căn cứ quan trọng cho việc thay đổi phương thức kiểm tra.
Thời gian vừa qua, nho sữa Trung Quốc là mặt hàng được nhập khẩu rất nhiều về Việt Nam và đã được lấy mẫu kiểm tra. Theo đó, từ năm 2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 87 mẫu nho nhập từ Trung Quốc để kiểm tra. Kết quả, phát hiện 1 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vi phạm quy định của Việt Nam.
“Mỗi sản phẩm nhập khẩu chúng ta đều kiểm tra, tuy nhiên chỉ được số lượng nhất định do nhân lực có hạn. Bởi vậy, Cục Bảo vệ thực vật mong các địa phương cùng tham gia vào chương trình giám sát để thực hiện truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Như vậy, chúng tôi sẽ có đủ số liệu, dữ liệu làm căn cứ xem xét nâng từ mức kiểm tra từ thông thường nên kiểm tra chặt nếu phát hiện nguy cơ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đối với nho tươi nhập khẩu vào Việt Nam, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện tại các lô trái cây trong đó có nho nhập khẩu vào Việt Nam đều đang được áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ). Trình tự, thủ tục kiểm tra ATTP với mặt hàng này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15.