Chia sẻ của Negav về chuyện nghỉ học tạo nên làn sóng tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội.
Negav có phát ngôn gây tranh cãi về việc học. Ảnh: Facebook nhân vật
Negav ảo tưởng về sự thành công
Những ngày qua, phát ngôn “Mẹ có thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?” của rapper Negav trong đêm concert Anh trai say hi lan truyền trên mạng với nhiều tranh cãi.
Bài đăng xin lỗi của Negav được đăng tải ngay sau khi đêm diễn khép lại, thu hút hơn 118.000 lượt thích và gần 6.000 bình luận.
Phản ứng từ công chúng cho thấy ồn ào của Negav được quan tâm. Việc nam rapper đứng trước hàng chục nghìn khán giả và ẩn ý đã đúng khi nghỉ học bị cho là thái độ tự cao, ngạo mạn.
Negav cũng bị chỉ trích ảo tưởng, định nghĩa quá sớm về sự thành công. “Rap chỉ là một phần của âm nhạc, âm nhạc chỉ là một phần của cuộc sống, Negav có phần ảo tưởng khi nghĩ rằng mình đã thành công” – tài khoản Nguyễn Long đưa quan điểm.
Trước đó, Negav xây dựng hình ảnh là một thần tượng trẻ có vẻ ngoài dễ thương, có sao nói vậy, đối đáp hồn nhiên, từ đó được lòng người hâm mộ.
Không đâu xa, HIEUTHUHAI từng khiến khán giả trầm trồ vì sự thông minh, vốn kiến thức rộng khi chơi các trò chơi trong chương trình.
HIEUTHUHAI và Hurrykng – cùng tổ đội Gerdnang với Negav đều hoàn thành chương trình học đại học. Cả hai đều cố gắng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, dù họ cũng đam mê âm nhạc và làm trái ngành như Negav.
Ở showbiz Việt, nhiều nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn, Tóc Tiên, Vũ Cát Tường, Midu… được công chúng yêu mến, ghi nhận vì có thành tích học tập tốt, không ngừng trau dồi kiến thức bên cạnh hoạt động nghệ thuật.
Vì vậy, khán giả bất bình khi một gương mặt trẻ mới nổi như Negav lại có thái độ coi nhẹ việc học, đắc ý khi vừa mới được quan tâm sau một chương trình truyền hình.
Negav cần trưởng thành
Khi nói đến vụ vạ miệng của Negav, Hurrykng nói đó là “ngày Negav trưởng thành”. Đó là thời điểm Negav cần ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với công chúng với vai trò một người có ảnh hưởng đến đông đảo khán giả trẻ.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về vai trò của người nổi tiếng đối với xã hội, PGS.TS Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo Trung ương) – đánh giá: “Đối với người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quan điểm, ý kiến của họ có thể tác động đến giới trẻ, đặc biệt là những người coi họ là thần tượng. Vì vậy, phát ngôn của họ không nên đến từ một sự việc có tính chất cá biệt để khái quát hóa thành một quan điểm, nhận định chung. Do vậy, người nổi tiếng cần hết sức cẩn trọng trong phát ngôn của mình, luôn hướng tới những điều tốt đẹp, tích cực trong cộng đồng”.
Về ý kiến, quan điểm cho rằng không cần học tập vẫn có thể thành công, ông Lê Huy Hoàng cho rằng những người không học mà thành công chỉ là thiểu số, cá biệt, không nên cổ súy cho việc này, nhất là trong giới trẻ.
“Thực tiễn cho thấy, những người có trình độ, có nhiều cống hiến cho xã hội đều do giáo dục tốt mà nên. Sai lầm của ý kiến trên là từ hiện tượng cá biệt của một số ít người mà phủ nhận vai trò của giáo dục đào tạo, một lĩnh vực được coi là “quốc sách hàng đầu” tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới”, PGS.TS Lê Huy Hoàng khẳng định.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – nhận định việc được trang bị kiến thức, kĩ năng, có đạo đức nghề nghiệp, thái độ đúng mực với công việc là rất quan trọng.
Ông cho rằng nghệ sĩ phải hướng tới cái đẹp, hướng tới những giá trị tích cực, làm đẹp cho đời. Nghệ sĩ sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, từ công chúng đến đồng nghiệp, và một trong những điều họ cần có là đạo đức, bên cạnh rèn luyện năng lực nghề nghiệp.
Giới chuyên gia truyền thông cho rằng, Negav đã quá “hồn nhiên” và vội vã. Bởi rất nhiều người phải đến tuổi trưởng thành mới ý thức được hết tầm quan trọng của giáo dục.