Trường hợp của chị H. không phải cá biệt, có rất nhiều phụ nữ cũng đang trong “hố sâu” của cuộc hôn nhân nhưng không biết cách nào để thoát ra vì có quá nhiều mối lo và nỗi sợ.
Theo lời chị H., trước khi cưới nhau, chồng chị luôn tỏ ra là người con trai thật thà, chỉ lo làm ăn, không rượu chè cờ bạc. Thế nên, ba mẹ chị đã đồng ý cho 2 người đến với nhau. Tuy nhiên, sau khi cưới người chồng đầu ấp tay gối của chị mới lộ rõ bản chất, nhất là lúc chị mới mang bầu đứa con đầu lòng. Anh lộ rõ là một kẻ trăng hoa. Thậm chí cuối tuần thay vì dành thời gian chăm sóc vợ bầu, anh lại đưa các tình nhân trẻ đẹp đi du lịch khắp nơi. Hoặc nếu không đi đâu thì rúc trong phòng riêng coi “phim người lớn”.
Ngoài trăng hoa ong bướm, chồng chị H. còn có tính gia trưởng. Lúc cưới về anh không cho chị đi làm. Chị kể, anh buộc chị phải đưa sinh hoạt phí gia đình hàng tháng hơn 10 triệu đồng rồi muốn làm gì thì làm. Chị vừa sanh 1 tháng mà một nách phải ẵm con, một tay phải nấu thức ăn cúng trong nhà. Tay lạnh tay đau anh nào giúp, con khóc con la anh chỉ ngồi bấm điện thoại.
Chị H. nói, chồng chị chỉ coi chị là “máy đẻ”, kiếm người mẹ cho con mình là xong. Sau đó, vợ như vú nuôi như người giúp việc trong nhà không hơn không kém. Biết cuộc sống mình cay đắng như vậy nhưng chị H. vẫn không thể ly dị chồng vì phía trước chị có quá nhiều rào cản làm chị chùn bước.
Trường hợp của chị H. không phải cá biệt, có rất nhiều phụ nữ cũng đang trong “hố sâu” của cuộc hôn nhân nhưng không biết cách nào để thoát ra vì có quá nhiều mối lo và nỗi sợ.
Nỗi sợ đầu tiên là sợ con mình không có cha. Sợ đứa trẻ vô tư, hồn nhiên đó thiếu thốn tình thương của cha khi cha và mẹ ly dị. Nếu người vợ chọn ly dị thì lại sợ mất quyền nuôi con vì không đảm bảo kinh tế. Như trường hợp của chị H., trước khi lấy chồng thu nhập chị gần 20 triệu/ tháng, nhưng lấy chồng, chồng không cho đi làm, cộng với mang thai con nên chị nghỉ việc. Bây giờ, chị không chủ động về kinh tế, nếu ly dị khó mà giành được quyền nuôi con. Nếu giành được thì biết lấy gì nuôi con khi con còn quá nhỏ, không thể gửi con đi nhà trẻ để chị H. đi làm.
Hiện nay, một số bậc làm cha làm mẹ vẫn còn sợ mất thể diện, mất uy tín gia đình khi con cái ly hôn, nhất là con gái. Ấy vậy mà khi biết con gái mình chịu khổ, có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, cha mẹ chị H. lại chỉ nói rằng “ráng đi con, bây giờ ly dị thì được gì”. Chị H. còn cho biết thêm, nếu bây giờ chị ly dị chắc cha mẹ và ông bà của chị chết mất, họ không chịu được điều tiếng của xã hội và áp lực dư luận.
Chính điều này, làm chị H. dù có buồn và đau lòng cỡ nào cũng không lên tiếng bởi nói ra cũng không ai nghe, không ai thấu hiểu. Nơi duy nhất để chị H. bấu víu lúc này là gia đình cũng không giúp chị.
Nếu không may rơi vào cảnh có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, điều đầu tiên chị em phụ nữ có thể làm là hãy mạnh mẽ lên, xốc lại tinh thần để có thể tự cứu lấy chính cuộc đời mình. Hãy tìm hiểu pháp luật để tiến hành các thủ tục ly dị và nhất là có thể giành lấy quyền nuôi con.
Thứ hai, phụ nữ hãy nhờ sự trợ giúp từ gia đình và bạn bè. Trong trường hợp gia đình không ủng hộ việc ly hôn thì hãy nhờ đến sự trợ giúp của những người bạn thân.
Thứ ba, phụ nữ hãy luôn độc lập tài chính. Dù ít hay nhiều nhưng đó phải là số tiền mình làm ra. Mình hoàn toàn có thể chủ động chi tiêu và giúp mình giải quyết các vấn đề không mong muốn trong cuộc sống khi có biến cố ập tới.
Vậy những cô gái chưa bước vào hôn nhân, đang trong giai đoạn yêu đương thì bạn phải làm gì để bản thân không rơi vào “thảm cảnh gia đình”? Hãy tìm hiểu kỹ người đàn ông mà bạn quyết định lấy làm chồng. Cho mình thời gian đủ dài để tìm hiểu kỹ về đối phương. Đừng để trái tim và lý trí của bạn bị che mờ bởi dáng vẻ hiền lành, tử tế của anh ta nhưng đằng sau đó là những “bí mật” mà chỉ khi quen nhau lâu, va chạm nhiều thì bạn mới có thể nhận ra. Hãy chỉ lấy làm chồng nếu bạn tự tin đã hiểu đủ về anh ta, giữa bạn và anh ta không còn bí mật nào nữa.
Đàn bà ơi! Hãy dũng cảm lên để tự giải thoát cho chính mình và những đứa con của mình. Đừng lầm tưởng mình đang giữ cho con gia đình hạnh phúc. Đứa trẻ không thể hạnh phúc nếu nhìn thấy mẹ khóc và phải nghe những trận cãi vã không hồi kết của cha mẹ. Ngã ở đâu đứng lên ở đấy! Cả tương lai tươi đẹp đang chờ đón bạn ở phía trước.