Theo các chuyên gia, giá vàng cuối năm 2024 xu hướng giảm nhưng còn nhiều động lực để tăng trưởng, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính Ngân hàng – Đại học Nguyễn Trãi, giá vàng thế giới năm 2025 có thể xảy ra 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, giá vàng giảm sâu nếu tình hình lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm mạnh, các chính sách tiền tệ được kiểm soát hiệu quả, và căng thẳng địa chính trị lắng dịu, giá vàng có thể điều chỉnh về mức 2.200 – 2.400 USD/ounce. Điều này phản ánh sự giảm nhu cầu vàng trú ẩn khi nhà đầu tư tìm kiếm các kênh sinh lợi khác.
Kịch bản thứ hai của giá vàng là sẽ tăng trưởng mạnh. Ở kịch bản này nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái hoặc các cuộc xung đột địa chính trị leo thang, giá vàng có thể vượt mức 2.700 – 3.000 USD/ounce. Trong trường hợp này, vàng sẽ lấy lại vị thế là nơi trú ẩn an toàn trước những bất ổn tài chính.
Cũng theo ông Huy, giá vàng thế giới năm 2025 sẽ phục thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chính sách tiền tệ toàn cầu là một trong những nhân tố chi phối khá quan trọng. Hiện cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều giảm lãi suất vào cuối năm 2024 và có khả năng tiếp tục cắt giảm trong năm 2025 để kích thích tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, hỗ trợ giá vàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường dự trữ vàng như biện pháp bảo vệ nền kinh tế trước các biến động của đồng USD. Hành động này sẽ làm tăng cầu vàng toàn cầu.
Giá vàng năm 2025 vẫn được dự báo có nhiều triển vọng. (Ảnh: Công Hiếu)
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của tiền số đang làm giảm sức hấp dẫn của vàng, đặc biệt khi nhiều quốc gia công nhận tiền số là tài sản hợp pháp. Các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin đang thu hút một lượng lớn nhà đầu tư, đặc biệt là giới trẻ và các quỹ đầu tư, làm giảm dòng vốn đổ vào vàng.
Đối với giá vàng trong nước, ông Huy cho rằng luôn chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, nhưng lại có những đặc thù riêng. Cụ thể đó là sự điều tiết của Nhà nước.
Chính phủ đang tiếp tục các biện pháp quản lý và bình ổn thị trường vàng, tránh để biến động giá vàng thế giới tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Các chính sách nhằm giảm thói quen tích trữ vàng của người dân sẽ được đẩy mạnh, hướng tới việc chống “vàng hóa” nền kinh tế và giải phóng nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Nhu cầu vàng vật chất trong nước cũng khá lớn khi người dân Việt Nam có truyền thống tích trữ vàng, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, dẫn đến nhu cầu vàng vật chất tăng cao.
Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán và tiền số trở nên phổ biến hơn.
Vì vậy, ông Huy dự đoán, năm 2025, giá vàng trong nước cũng sẽ xảy ra 2 kịch bản. Nếu giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước có thể dao động quanh 60 – 65 triệu đồng/lượng.
Ngược lại, nếu giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước có thể vượt 75 – 80 triệu đồng/lượng, nhưng mức tăng sẽ bị giới hạn bởi sự điều tiết của Nhà nước.
“Năm 2025, giá vàng tiếp tục dao động mạnh, chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế, địa chính trị và sự trỗi dậy của tiền số. Tại Việt Nam, giá vàng sẽ bám sát xu hướng thế giới nhưng được điều tiết bởi các chính sách ổn định của Nhà nước.
Trong bối cảnh này, người dân cần hạn chế tập trung vào vàng, thay vào đó hãy tận dụng cơ hội từ khởi nghiệp và đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt khi Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút vốn FDI và mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu“, ông Huy đưa ra lời khuyên.
Nhận định về giá vàng trong năm 2025, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, tình hình thị trường giữ nguyên như hiện tại, giá vàng 2025 sẽ tăng chậm hơn năm nay.
Bên cạnh đó, nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược, kim loại quý sẽ gặp nhiều thách thức.
Lực mua của các ngân hàng trung ương và nhu cầu trú ẩn tăng vài năm qua, do biến động kinh tế – chính trị trên toàn cầu. Lo ngại về khối nợ công của các nước châu Âu, cùng với bất ổn tại Trung Đông, Đông Âu và nhiều nước khác vẫn kéo giá lên.
“Nhìn chung, tình hình hiện tại thôi thúc nhà đầu tư trú ẩn, ví dụ như mua vàng, để đối phó rủi ro“, WGC cho biết.
Thị trường hiện dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản (1%) năm 2025. Mức giảm ở châu Âu cũng tương tự. Lãi suất thấp sẽ có lợi cho giá vàng. Đồng đôla cũng được kỳ vọng đi ngang hoặc giảm nhẹ khi lãi suất hạ xuống. Việc này sẽ kéo kim loại quý lên cao.
Ngược lại, nếu các ngân hàng trung ương dừng điều chỉnh lãi suất trong thời gian dài hoặc tăng trở lại, sức ép lên kim loại quý sẽ lớn. Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự báo tung nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chính sách này được dự báo gây ra lạm phát và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc này có thể khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc chuyện giảm lãi.
“Tất cả đang chờ nhiệm kỳ 2 của ông Trump, để xem kinh tế toàn cầu sẽ ra sao“, báo cáo của WGC viết.
Lực mua của các ngân hàng trung ương cũng được kỳ vọng vẫn là động lực chính đẩy giá vàng năm tới. Dù giảm về cuối năm 2024, nhu cầu vàng vẫn rất mạnh, được dự báo vượt 500 tấn trong năm sau. Về dài hạn, việc này tác động tích cực lên giá.
“Diễn biến của vàng sẽ phụ thuộc vào sự tương tác của 4 yếu tố chính, gồm tăng trưởng kinh tế, rủi ro, chi phí cơ hội và xu hướng khi đó“, báo cáo của WGC nhấn mạnh.