×

Lý do Táo Quân được ra đời từ một chương trình vô danh giờ hút quảng cáo 1,3 tỷ đồng mỗi phút

Lấy cảm hứng từ chương trình của Đài truyền hình TP.HCM

Chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo Quân” đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, gắn bó với hàng triệu gia đình Việt Nam suốt hơn 20 năm qua. Với nội dung hài hước và sâu sắc, chương trình phản ánh các vấn đề nổi bật trong năm tạo nên sức hút đặc biệt cho hàng triệu khán giả Việt trong đêm giao thừa.

Ít ai biết rằng ý tưởng sản xuất Táo quân của VTV xuất phát từ một chương trình cùng tên của Đài truyền hình TP.HCM. Đạo diễn Khải Hưng, người được xem là “cha đẻ” của Táo quân VTV, từng chia sẻ rằng cảm hứng đến từ một lần ông nhìn thấy băng rôn giới thiệu chương trình hài có sự tham gia của nghệ sĩ Nam – Bắc. Từ đó, ông lên ý tưởng thực hiện một chương trình hài phát sóng cuối tuần, mang lại tiếng cười thư giãn cho khán giả, và “Gặp nhau cuối tuần” ra đời. Khi chương trình này phát triển, ê-kíp muốn làm một phiên bản tổng kết cuối năm.

Tuy nhiên, ý tưởng Táo quân đã được Đài truyền hình TP.HCM thực hiện từ năm 1980 qua kịch bản “Ngọc Hoàng du lịch” của đạo diễn Thế Ngữ. Năm 1982, chương trình được phát sóng trước giao thừa với nội dung các Táo báo cáo Ngọc Hoàng về các vấn đề nổi cộm trong năm. Chương trình nhanh chóng trở thành “món ăn tinh thần” của khán giả HTV, với vai Ngọc Hoàng gắn liền cùng nghệ sĩ Bảo Quốc suốt 20 năm.

Điều thú vị về ‘Gặp nhau cuối năm - Táo Quân’ của VTV: Ra đời từ một chương trình của đài truyền hình địa phương, mỗi phút quảng cáo có giá gần 1,3 tỷ đồng - ảnh 1
Táo Quân là một phần không thể thiếu trong văn hóa Tết Việt, tiếp tục mang đến niềm vui và những góc nhìn hài hước về xã hội. Ảnh: Internet

Khi VFC triển khai Táo quân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã đổi mới kịch bản, xây dựng bộ ba Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu cùng các Táo chầu trời. Vai Ngọc Hoàng ban đầu do nghệ sĩ Quốc Trượng đảm nhiệm, sau đó được nghệ sĩ Quốc Khánh thể hiện thành công. NSND Xuân Bắc và NSND Công Lý lần lượt hóa thân thành Nam Tào và Bắc Đẩu, tạo nên bộ ba biểu tượng của chương trình.

Chia sẻ trong chương trình Chào buổi sáng của VTV, Công Lý nói: “Trong số ‘Gặp nhau cuối năm’ đầu tiên, chúng tôi không có ý định xây dựng hình ảnh Nam Tào hay Bắc Đầu như thế này. Hồi đó chưa có cổ trang mà tất cả các nghệ sỹ vẫn mặc đồ bình thường. Tôi bàn với Xuân Bắc, tôi đầu trọc, trông đầu gấu, đeo kính đen, mặc comple nhưng lại ỏn à ỏn ẻn để lạ và khác đi, còn anh ấy trông thư sinh thì cứ đóng vai ăn to nói lớn, huỳnh huỵch cho tính cách hai nhân vật trái ngược nhau.

Từ đó trở đi, hai đạo diễn Khải Hưng và Đỗ Thanh Hải đã phát triển theo hướng này để cho nhân vật có màu sắc. Kịch bản vì thế cũng lái theo hướng đó”.

Sau hơn 20 năm lên sóng, Táo quân đã có nhiều thay đổi, đôi lúc chưa đáp ứng kỳ vọng của khán giả. Tuy vậy, chương trình vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa Tết Việt, tiếp tục mang đến niềm vui và những góc nhìn hài hước về xã hội.

Mỗi phút quảng cáo có giá gần 1,3 tỷ đồng

Ngày 9/1, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình TVAd (thuộc VTV) chính thức công bố bảng giá quảng cáo cho chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025. Theo bảng giá, chi phí quảng cáo tăng dần theo thời lượng phát sóng. Mức giá cho 10 giây quảng cáo là 322,750 triệu đồng, trong khi 15 giây là 387,3 triệu đồng, 20 giây đạt 484,125 triệu đồng và 30 giây chạm mốc 645,5 triệu đồng. Các mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với mức phí như vậy, nếu một thương hiệu muốn xuất hiện trong 1 phút của chương trình, doanh nghiệp sẽ phải chi gần 1,3 tỷ đồng.

Điều thú vị về ‘Gặp nhau cuối năm - Táo Quân’ của VTV: Ra đời từ một chương trình của đài truyền hình địa phương, mỗi phút quảng cáo có giá gần 1,3 tỷ đồng - ảnh 2
Các nghệ sĩ thức đêm tập luyện Táo Quân 2025. Ảnh: VTV Times

Ở số phát lại Táo Quân 2025 vào sáng 29/1 (mùng 1 Tết) trên sóng VTV3, mức giá quảng cáo giảm đáng kể, chỉ bằng hơn 1/10 giá phát sóng trong đêm Giao thừa. Cụ thể, 10 giây quảng cáo có giá 38,65 triệu đồng, 15 giây là 46,38 triệu đồng, 20 giây là 57,975 triệu đồng và 30 giây đạt 77,3 triệu đồng.

Mức giá quảng cáo năm nay được ghi nhận tương đương với năm ngoái, không có nhiều biến động so với giai đoạn 5 năm gần đây. Chẳng hạn, năm 2021 và 2022, giá quảng cáo cho 30 giây phát sóng trong chương trình Táo Quân vào đêm 30 Tết là 650 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2020, khi chương trình Gặp nhau cuối năm lên sóng thay thế Táo Quân, mức giá quảng cáo giảm rõ rệt, chỉ 400 triệu đồng cho 30 giây.

Bên cạnh sức hút từ bảng giá quảng cáo, thị trường vé Táo Quân 2025 cũng sôi động không kém. Theo kế hoạch, chương trình sẽ được ghi hình từ ngày 15-17/1, và như mọi năm, vé tham dự buổi ghi hình đã trở thành món hàng “nóng” trên mạng xã hội.

Giá vé được rao bán năm nay dao động từ 1-10 triệu đồng/cặp, tùy vị trí ngồi, thấp hơn so với các năm trước. Năm 2024, vé ghi hình Táo Quân được bán với giá 10-12 triệu đồng/cặp, thậm chí có chỗ ngồi đẹp lên tới 14 triệu đồng. Tuy nhiên, thị trường “chợ đen” vẫn hỗn loạn, với nhiều trường hợp lừa đảo xuất hiện.

Related Posts

Our Privacy policy

https://kenhtina.com - © 2025 News