Cùng với tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, các cơ sở giáo dục trong tỉnh quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong bếp ăn bán trú tại trường.
Chế biến thực phẩm tại bếp ăn bán trú Trường Mầm non Thành Công (Khoái Châu)
Được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu bếp, khu nhà ăn riêng biệt, tủ nấu cơm, tủ sấy bát…, Trường Mầm non Thành Công, xã Thành Công (Khoái Châu) có đầy đủ các điều kiện để tổ chức học bán trú an toàn cho trẻ. Trường hiện nay có 243 học sinh, tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường đạt 100%. Cô giáo Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp có uy tín, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Quá trình chế biến, yêu cầu các nhân viên nhà bếp thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh từ dụng cụ chế biến, đến sơ chế, nấu ăn, chia thức ăn cho trẻ… Những năm qua, trường không xảy ra ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan, lơ là, bởi vấn đề ATVSTP là liên quan đến tính mạng con người.
Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Thành Công chia sẻ: Trường có 3 nhân viên nhà bếp, hằng năm, chúng tôi được tập huấn về ATVSTP; được khám sức khỏe định kỳ để bảo đảm không mắc bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, trong quá trình nấu ăn, thực hiện nghiêm vấn đề ATVSTP, từ khâu sơ chế, chế biến đến bảo quản, lưu mẫu, bảo đảm đúng quy định về thực hiện bếp ăn bán trú trong trường học.
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh. Có mặt tại Trường Tiểu học Hoàng Lê (thành phố Hưng Yên) đúng lúc học sinh chuẩn bị ăn cơm trưa, chúng tôi nhận thấy bữa ăn của các em được chuẩn bị chu đáo, đúng thực đơn công khai. Năm học 2023 – 2024, nhà trường có 450 học sinh đăng ký ăn bán trú tại trường. Nhà trường đã ký hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh hằng ngày kiểm tra các suất ăn của đơn vị cung cấp mang đến, bảo đảm các điều kiện ATVSTP thì mới ký nhận và bàn giao đến từng lớp học.
Anh Lê Trọng Hiếu, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Tôi có 2 con đang học mầm non và tiểu học, đều ăn bán trú tại trường, nên tôi rất quan tâm đến vấn đề ATVSTP. Hằng tuần nhà trường công khai thực đơn bữa ăn của trẻ và hằng ngày có đại diện cha mẹ học sinh đến kiểm tra về thực phẩm, quá trình chế biến thức ăn, khẩu phần ăn tại nhà trường để kịp thời phát hiện những vấn đề về ATVSTP cho các con…
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ở tỉnh hiện có trên 190 trường mầm non, tiểu học, THCS và 186 nhóm lớp mầm non tư thục tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Ngoài bếp ăn do các trường tự mua thực phẩm và tổ chức nấu, một số trường thực hiện cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh theo hình thức đặt dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn tại những cơ sở có chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, chuyển đến trường.
Thời gian qua, Sở GD&ĐT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm ATVSTP trong các đơn vị, trường học; thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm ATVSTP…
Hằng năm, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATVSTP cho đại diện Ban Giám hiệu, tổ trưởng phụ trách chuyên môn, nhân viên y tế, nhân viên nấu ăn của các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trong toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại các bếp ăn tập thể trong trường học. Qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại, yêu cầu các nhà trường khắc phục. Trong quá trình kiểm tra có sự hướng dẫn, tuyên truyền các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình, từ nhập thực phẩm, sơ chế, bảo quản đến chế biến, đưa đến bàn ăn. Qua kiểm tra cho thấy, các bếp ăn bán trú tại trường học có ý thức thực hiện các quy định về ATVSTP. Các trường học đều ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các đơn vị có đủ năng lực. Các bếp ăn được đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ khá đồng bộ; bếp ăn được thiết kế theo nguyên tắc “một chiều”, xa nguồn gây ô nhiễm. Thực phẩm sử dụng có hồ sơ chứng minh nguồn gốc; các bếp ăn đều sử dụng nước sạch, nước qua hệ thống lọc trong sơ chế và chế biến thức ăn. Đa số bếp ăn bán trú nghiêm túc thực hiện ghi chép hồ sơ kiểm thực 3 bước (trước khi chế biến, trong quá trình chế biến, trước khi ăn) và lưu mẫu thức ăn theo quy định…
Để bảo đảm ATVSTP trong các bữa ăn bán trú cho học sinh, thời gian tới, Chi cục ATVSTP cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức ATVSTP cho cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên bếp ăn trường học; tăng cường thanh tra, kiểm tra các bếp ăn trường học, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSTP theo quy định. Các trường học tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường tích cực tham gia giám sát công tác ATVSTP tại các cơ sở giáo dục; hướng dẫn con thực hiện các quy định về ATVSTP, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…