Lão Thạch (sống tại Dương Châu, Trung Quốc) đã hơn 70 tuổi. Ông có một người con trai tên là Thạch Tử. Vợ ông mất sớm vì mang bệnh, để lại ông một mình “gà trống nuôi con”.
Sự ra đi của vợ là nỗi đau canh cánh trong lòng lão Thạch. Ông trách bản thân nghèo, không cho vợ sống sung túc, để bà ra đi trong đau đớn nên đã làm việc chăm chỉ. Một thời gian sau, khối tài sản của ông tăng lên đáng kể. Thời ấy, ông là người giàu nhất nhì trong làng.
Cảm giác hối hận đối với vợ quá cố khiến lão Thạch dành hết tình yêu thương cho con trai Thạch Tử. Từ nhỏ đến lớn, con trai của ông được sống trong nhung lụa, muốn gì được đó.
Nhưng chính cách nuôi dạy này đã khiến Thạch Tử hình thành tính cách ngạo mạn, kiêu căng, lười lao động. Khi đã trưởng thành, anh vẫn không từ bỏ việc ăn bám cha, lông bông chơi bời, không tìm việc làm.
Nhưng về sau, ông Thạch có tuổi, sức khỏe cũng giảm sút.
Do nhiều năm làm việc lao lực, khi về già ông sinh bệnh nặng, chỉ có thể nằm một chỗ. Khối tài sản ông tích cóp cả đời cũng dần hao hụt. Ông khuyên Thạch Tử nên ra ngoài tìm việc làm để kiếm tiền.
Con trai nghe được lời này thì không vui. Điều không ai ngờ đến đó là anh nhẫn tâm đuổi người cha ốm nặng ra khỏi nhà. Bất đắc dĩ,lão Thạch phải ở nhờ nhà một người họ hàng. Vì không có tiền tiêu, Thạch Tử bán nhà đang ở.
Vở kịch “lòng hiếu thảo”
Một thời gian sau, Thạch Tử nghe bàn tán rằng cha thực ra vẫn còn rất nhiều tài sản. Thế là anh ta đến nhà người họ hàng kia, vừa khóc vừa nói muốn đưa cha về nhà dưỡng bệnh và làm tròn đạo hiếu. Anh ta dùng số tiền còn lại mua một căn nhà nhỏ mới để ở với cha, thuê người chăm sóc. Thậm chí Thạch Tử còn đi kiếm việc làm, mong muốn xây dựng hình ảnh một người con ngoan trước mặt cha.
Làm “con ngoan” chưa được bao lâu, Thạch Tử lại “chứng nào tật đấy”. Anh ta nghỉ việc và tiếp tục chơi bời.
Trước khi qua đời, lão Thạch giao di chúc lại cho em trai của mình.
Thạch Tử không hề đau buồn khi cha mất, ngược lại còn rất vui mừng. Anh đến gặp người chú để hỏi về di chúc của cha. Tuy nhiên, mọi thứ nằm ngoài dự định của người con trai.
Lão Thạch đã chia toàn bộ tài sản làm hai phần. Một ngôi nhà ông để thôn dành làm nơi ở cho những người khó khăn, phần tài sản còn lại ông cũng quyên góp cho thôn.
Trong di chúc, lão Thạch cũng nhờ mọi người xin đừng tùy tiện giúp đỡ con trai mình, mà hãy để nó tự nuôi sống bản thân.
Sau cùng, chỉ có Thạch Tử là không thể chấp nhận sự thật.
Về già nhất định phải chừa đường lui cho mình
Câu chuyện của lão Thạch cho thấy cách giáo dục của cha mẹ sẽ tác động rất nhiều đến nhận thức của con cái.
Là đấng sinh thành, cha mẹ luôn yêu thương và sẵn sàng làm những điều tốt nhất cho con cái. Ngay cả khi đã bước sang tuổi xế chiều, họ vẫn muốn để lại nhiều tiền bạc của cải để thế hệ sau bớt vất vả.
Tuy nhiên, việc phụ huynh để lại tài sản chỉ giải quyết được một phần vấn đề chứ không phải là mấu chốt quyết định hạnh phúc trong cuộc đời của con, cháu. Do đó trong vấn đề này, cha mẹ chỉ nên hỗ trợ chứ không nên thay con cái lo toan vấn đề tài chính.
Nhiều người con khi được cha mẹ lo toan cho mọi thứ sẽ hình thành thái độ sống phụ thuộc, không muốn lao động mà trở nên lười biếng, thui chột ý chí phấn đấu. Chúng sống trong cảnh đủ đầy, biết mình có tiền tài đôi khi không ý thức được sự vất vả của cha mẹ mà nảy sinh thói sống hoang phí, đua đòi, coi thường người yếu thế hơn.
Nếu không biết kiểm soát chi tiêu thì rất dễ kéo theo nhiều tai họa. Không những thế, vì quen sống dựa dẫm vào người khác nên khi những đứa con này không còn có bố mẹ che chở, giúp đỡ sẽ khó tự lập và gặp nhiều thất bại khi đối mặt với sự khắc nghiệt của xã hội ngoài kia.
Vậy mới thấy, cha mẹ quá nuông chiều, bảo bọc con cái quá mức cũng không tốt, nhất là ở phương diện tiền bạc.
Bên cạnh đó, khi về già, thay vì để lại hết tiền bạc cho con cái, cha mẹ cũng nên “tiết kiệm” cho riêng mình, chuẩn bị cho mình một khoản tài chính thật vững chắc. Con cái khi lớn lên cũng sẽ có gia đình riêng, có không gian riêng, không thể luôn kề cận bên để chăm sóc. Lúc này, nếu chẳng may bạn đổ bệnh hay gặp chuyện cấp bách thì vẫn có thể tự lo liệu mà không cần đến con cái.
Bởi vậy mới nói, người già có tài chính riêng sẽ giống như cây cổ thụ luôn trụ vững giữa đời, dù cuộc sống có giông tố ra sao.