Cuộc sống của cô con dâu ngoại quốc tại vùng nông thôn Hàn Quốc

Sumampong là một trong hàng chục ngàn phụ nữ đã kết hôn với đàn ông Hàn Quốc và di cư đến quốc gia có dân số già này, nơi phụ nữ Hàn Quốc càng ngày càng không lựa chọn hôn nhân và không muốn phải đi theo truyền thống vợ phục vụ chồng và cả bố mẹ chồng.

Sumampong hiện nay 48 tuổi, là một người Philippine, gặp chồng Lee Byung-ho thông qua dịch vụ mai mối, là một trong hàng ngàn người phụ nữ đang bù đắp phần nào cho sự thiếu hụt này.

Con dâu chuẩn mực trong văn hóa gia trưởng của Hàn Quốc: Ba đầu sáu tay lo việc nhà cửa, coi chồng là vua và hiếu thảo với bố mẹ chồng - Ảnh 1.

Không giống như các nền kinh tế Châu Á phát triển khác như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc chưa bao giờ cho phép lao động nước ngoài trong ngành dịch vụ và chăm sóc người cao tuổi. Một số khu vực của Hàn Quốc hiện nay đã trợ cấp “tour du lịch hôn nhân” cho những người đàn ông độc thân ở khu vực nông thôn đang phải vật lộn tìm vợ bản xứ.

Sumampong phải chăm sóc cả 3 thế hệ của nhà chồng, đồng thời cũng phải làm việc trong nông trại gia đình và có một công việc bán thời gian bên ngoài. Sumampong chia sẻ rằng: “Tôi phải đứng vững cả về tinh thần và thể chất thì mới có thể vượt qua được mọi khó khăn đã đến với mình.”

Một ngày của cô bắt đầu từ 5 giờ sáng. Cô thức dậy nấu bữa sáng cho cả gia đình và làm việc nhà trước khi đưa 3 đứa con đến trường. Sau đó cô đi làm thư kí tại một văn phòng quận.

Chiều đến, khi cô rời khỏi văn phòng, Sumampong sẽ làm ruộng. Sau đó cô nấu bữa tối, dọn dẹp và giúp con làm bài tập về nhà.

Con dâu chuẩn mực trong văn hóa gia trưởng của Hàn Quốc: Ba đầu sáu tay lo việc nhà cửa, coi chồng là vua và hiếu thảo với bố mẹ chồng - Ảnh 2.

Cô cũng là người chăm sóc chính cho mẹ chồng 89 tuổi của mình. Mẹ chồng cô không thể đi lại, vì thế cô phải giúp bà đi vệ sinh, tắm rửa, mặc quần áo.

Vào tháng 6, Hiệp hội phúc lợi gia đình quốc gia đã trao cho cô danh hiệu “hyobu”, một giải thưởng cho “dịch vụ hiếu thảo” với bố mẹ chồng. Được biết, Sumampong cũng đã chăm sóc cho người cha chồng ốm yếu cho đến tận khi ông qua đời vào năm 2012.

Danh hiệu “hyobu” không phải là một danh hiệu chỉ dành cho người nhập cư, đây là một danh hiệu dành cho tất cả phụ nữ tại Hàn Quốc. Thế nhưng, hiện nay càng ngày càng ít phụ nữ Hàn Quốc sẵn sàng hoặc có thể cung cấp sự chăm sóc như một phần của vai trò con dâu.

Thực trạng xã hội “già hóa” của Hàn Quốc

Thái độ gia trưởng cố thủ có nghĩa là những người phụ nữ đi làm phải đảm nhiệm hầu hết cả các công việc gia đình. Không chỉ thực hiện tốt công việc ngoài xã hội, phụ nữ bị đòi hỏi phải biết cách chăm sóc gia đình, đây là một tình huống khiến nhiều chị em phụ nữ từ chối cuộc sống hôn nhân.

Theo dữ liệu của chính phủ, năm 2018, khoảng 22,4% phụ nữ Hàn Quốc độc thân nghĩ rằng hôn nhân là cần thiết, giảm hẳn một nửa so với năm 2010 là 46,8%. Trong khi đó, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc lại nằm trong những nước thấp nhất thế giới.

Con dâu chuẩn mực trong văn hóa gia trưởng của Hàn Quốc: Ba đầu sáu tay lo việc nhà cửa, coi chồng là vua và hiếu thảo với bố mẹ chồng - Ảnh 3.

Quốc gia này đang phải đối mặt với một quả bom hẹn giờ, đến năm 2030, gần một phần tư dân số sẽ có độ tuổi từ 65 trở lên và chính phủ thiếu biện pháp hỗ trợ những người già neo đơn.

Ông Park In-seong, 48 tuổi hiện đang chăm sóc người mẹ già ốm yếu, góa bụa ở Incheon. Ông đã đăng kí rất nhiều dịch vụ mai mối hôn nhân nhưng đến nay vẫn không tìm được vợ. Park In-seong thừa nhận rằng: “Thực tế, không có người phụ nữ Hàn Quốc nào sẽ đồng ý kết hôn với một người đàn ông như tôi, bởi vì nếu kết hôn với tôi cũng đồng nghĩa với việc phải chăm sóc mẹ tôi.

Một số người đàn ông rất may mắn. Bằng cách nào đó họ đã tìm được một người vợ sẵn sàng chăm sóc bố mẹ chồng. Tôi rất ghen tị với họ, nhưng tôi biết tôi không thể là một trong số họ.”

Văn hóa gia trưởng của Hàn Quốc

Ở nông thôn, vấn đề này thậm chí còn rõ rệt hơn sau nhiều thập kỉ mà các thanh niên, đặc biệt là phụ nữ chuyển đến sinh sống tại các thành phố lớn. Chỉ còn lại một số ít người là vẫn giữ khái niệm truyền thống về văn hóa gia trưởng.

Mẹ chồng của Sumampong là một trường hợp điển hình. Bà vô cùng tức giận mỗi khi con trai cố gắng giúp vợ làm việc nhà. Sumampong nhớ lại: “Bà ấy luôn nhấn mạnh rằng đàn ông giống như các vị vua.”

Con dâu chuẩn mực trong văn hóa gia trưởng của Hàn Quốc: Ba đầu sáu tay lo việc nhà cửa, coi chồng là vua và hiếu thảo với bố mẹ chồng - Ảnh 4.

Tuy nhiên, Sumampong nói rằng cô luôn cố gắng giữ thái độ tích cực về những mong muốn của mẹ chồng. Khi được hỏi rằng cô có hạnh phúc không, Sumampong nói rằng: “Tôi rất vui khi bắt đầu cuộc sống gia đình với chồng.”

Chồng của Sumampong có thu nhập khá khiêm tốn. Anh làm việc trong một công ty điện tử, nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào từ nông trại gia đình.

Chính vì thế, Sumampong dự định sẽ dùng số tiền thưởng của mình (khoảng 2000 đô la Mỹ) để về thăm gia đình ở Philippines. Cô đã không gặp gia đình mình được 6 năm rồi.

Sumampong được xem như một hình mẫu của phụ nữ trong làng Hoengseong.

Một quan chức thành phố có tên là Nam Koo-hyun, người đã đề cử cô cho giải thưởng “hyobu”, nói: “Cô ấy là một ví dụ điển hình cho những người vợ di cư khác trong thị trấn của chúng tôi.”

Theo thống kê, có khoảng 260.000 cô dâu ngoại quốc kết hôn với đàn ông Hàn Quốc. Khoảng 15000 người sẽ đến Hàn Quốc mỗi năm, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đa số trường hợp là tìm cách để thoát nghèo.

Một số cô dâu ngoại quốc phải đối mặt với các mối quan hệ lạm dụng. Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng nhiều người vợ nhập cư bị bắt phải thực hành văn hóa gia trường của Hàn Quốc, bất kể văn hóa gốc của họ ra sao.

Thậm chí, trong một số cuốn sách giao khoa còn ghi rằng đàn ông Hàn Quốc thích phụ nữ “thực sự tôn trọng chồng và làm theo ý kiến của chồng” đồng thời những người vợ cũng cần phải dịu dàng và cư xử đúng mực.

Con dâu chuẩn mực trong văn hóa gia trưởng của Hàn Quốc: Ba đầu sáu tay lo việc nhà cửa, coi chồng là vua và hiếu thảo với bố mẹ chồng - Ảnh 5.

Hyunjoo Naomi Chi, giáo sư tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản, giải thích: “Giải thưởng hyobu tái tạo lại truyền thống gia trưởng bảo thủ, như thể chăm sóc cho gia đình là điều tất cả phụ nữ nên làm. 

Và trao những danh hiệu, giải thưởng này cho những người phụ nữ nhập cư thậm chí còn kì cục hơn vì như muốn nói rằng để trở thành một người vợ của người Hàn Quốc, bạn cần phải là người phụ nữ lý tưởng như này.

Chuyện này vào thời điểm bây giờ gần như là một huyền thoại. Phụ nữ trẻ Hàn Quốc đã rời bỏ nông thôn vì họ không muốn như vậy.”

Cô Bonnie Lee, người làm việc tại Seoul và không có kế hoạch kết hôn, đồng ý rằng các giải thưởng, danh hiệu đã lỗi thời. Cô nói: “Hầu như không có người phụ nữ Hàn Quốc nào ở độ tuổi 20 và 30 muốn được gọi là “hyobu”. Chúng tôi chưa bao giờ có giải thưởng như vậy cho con rể hiếu thảo, bởi vì họ không tồn tại.”