Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 17 giờ chiều 7/9, bão số 3 đã làm 82 người thương vong, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng, hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ. Các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương bị mất điện diện rộng.
Với sức tàn phá khủng khiếp, chỉ trong vòng vài giờ sau khi đổ bộ vào vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng, bão số 3 đã làm 4 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).
Từ khoảng 10 giờ ngày 7/9, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh, làm 3 người tử vong. Theo đó, vào hồi 14 giờ 30 phút, tại khu neo đậu, tránh trú bão trên vụng Bồ Nâu, vịnh Hạ Long, tàu lai dắt Hồng Gai của Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh đứt dây neo và bị cuốn ra biển. Tại thời điểm xảy ra, trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 1 người bị rơi xuống biển và tử vong, hiện đã vớt được thi thể lên bờ, 6 người còn lại hiện đang mất liên lạc.
Tại thành phố Hạ Long, ghi nhận 1 người chết do bị mái tôn sập. Tại thành phố Cẩm Phả, 1 người chết trong khi chằng chéo mái nhà (phường Cẩm Thạch).
Đến 16 giờ ngày 7/9, đã xảy ra mất điện diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, vì vậy hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn. Hiện, Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tiến hành thống kê, kiểm tra, thống kê thiệt hại.
Về tàu thuyền, thống kê sơ bộ, tại Quảng Ninh bão số 3 làm 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu. Tại thành phố Hải Phòng 1 tàu vận tải bị đứt neo trôi dạt.
Về nhà ở và cây xanh, nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố của Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Để ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương ven biển tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, kiên quyết cấm đường đối với khu vực ven biển đến 20 giờ ngày 7/9, khu vực Hà Nội đến 22 giờ ngày 7/9; đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; không để người dân quay trở về nhà yếu khi bão chưa tan; khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Do các tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình được thiết kế chống bão cấp 9, cấp 10, triều 5% nên có nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ; các địa phương sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đồng thời, sẵn sàng vận hành tiêu úng, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin…
Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh; tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khí có yêu cầu; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện và nguồn lực để triển khai khắc phục hậu quả ngay sau bão, mưa lũ (nếu có).