Kiểm soát tài chính của vợ chồng là bạo lực gia đình và bị xử phạt nặng
Hiện nay Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 144/2021 của Chính phủ. Nội dung trong dự thảo này nhằm đưa ra các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Đáng chú ý mức phạt đối với hành vi bạo lực về kinh tế trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình sẽ được Bộ Công an đề xuất sửa đổi so với quy định nghị định 144/2021. Theo đó Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền sẽ là 20 đến 30 triệu đồng với một trong những hành vi gồm:
– Chiếm đoạt tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình.
– Hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình.
– Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
– Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống. Cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ.
– Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân có hành vi vi phạm cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với một số hành vi. Hay buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tài sản có được do chiếm giữ trái phép đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật cho chủ sở hữu hợp pháp với một số hành vi.
Cẩn thận bị xử phạt
Theo đó thì việc vợ chồng “tịch thu” kiểm soát tài chính lương thưởng thu nhập của người kia có thể bị kết luận vi phạm bạo lực gia đình và bị xử phạt hành chính. Nội dung dự thảo trên nếu được phê duyệt dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025.
Khoản 1, Điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 quy định những hành vi sau là bạo lực gia đình:
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật