Xuất khẩu cau năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhiều thị trường ngoài Trung Quốc cũng nhập khẩu cau như: Mỹ, Thái Lan, Bhutan, Nepal.
Ngày 29-10, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết qua tính toán số liệu từ hải quan cho thấy xuất khẩu cau đến 9 tháng đầu năm đạt gần 29 triệu USD, tăng gần gấp 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thị trường số 1 vẫn là Trung Quốc với 27,3 triệu USD, tăng gần 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 9, Trung Quốc chi 7,55 triệu USD nhập cau Việt Nam, giảm 16% so với tháng 8.
Trong 9 tháng đầu năm, thị trường nhập khẩu cau nhiều thứ 2 là Mỹ với gần 1 triệu USD; thứ 3 là Thái Lan nhập 258.000 USD; thứ 4 là Nepal nhập 141.000 USD; Ấn Độ nhập 88.000 USD; Sri Lanka nhập 64.000 USD; Butan nhập 29.000 USD. Đáng chú ý, các thị trường Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Butan trong 9 tháng đầu năm 2023 không ghi nhận có nhập cau của Việt Nam.
Ông Nguyên giải thích việc nhập khẩu cau tăng đột biến là do vùng trồng cau ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) gặp bão nên bị hụt nguồn cung, cau Việt Nam trở thành nguồn bù đắp. Ông cho hay, cau chủ yếu phục vụ cho người ăn trầu cau và Trung Quốc đang có khoảng 50-60 triệu người dùng.
“Việc cau tăng giá là do yếu tố thời tiết ở Trung Quốc nên không có tính bền vững. Do đó, người dân không nên trồng cau chuyên canh mà chỉ nên trồng xen, trồng bờ rào vì sẽ có những năm Trung Quốc không mua cau hoặc mua rất ít với giá thấp” – ông Nguyên phân tích.
Cũng theo ông Nguyên, những thị trường khác tuy có nhập khẩu cau nhưng số lượng ít, chủ yếu phục vụ cộng đồng người Hoa ăn trầu cau ở các nước. Sản phẩm kẹo cau cũng chủ yếu phục vụ người ăn trầu cau nên thị trường không lớn.
Cau sấy trước khi xuất khẩu
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc một HTX nông nghiệp ở Gia Lai cho biết hiện tại thương lái đang mua lại cau với giá khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg, bằng một nửa so với lúc giá đỉnh. “Thị trường cau rất khó hiểu vì có lúc thương lái mua ở vùng này, không mua ở vùng kia và không có giá chuẩn” – ông Hai thừa nhận.
Dù vậy, bản thân ông Hai cũng vừa mua thêm khoảng 100 cây cau giống để trồng ở những chỗ đất còn trống, hi vọng vài năm sau có thêm thu nhập. Bởi lẽ, hơn 1 tháng trước, ông bán được 20 triệu đồng tiền cau với chỉ 50 cây cau đang cho trái và gần như không bỏ chi phí gì. Thời điểm ông bán cao giá vừa tăng, ở mức 50.000 đồng/kg như bây giờ chứ chưa sốt giá.
Cau Bà Điểm tăng giá 20%
Lê Thị Mỹ Phước, Chủ tịch HTX Ngọc Điểm (Hóc Môn, TP HCM) cho biết giá cau tại vườn hiện khoảng 12.000 đồng/chục, tăng 2.000 đồng/chục so với tháng trước. Tuy nhiên, cau Bà Điểm sản lượng ít, chủ yếu phục vụ các đám cưới, hỏi cuối năm chứ không tham gia xuất khẩu. Trầu cau Bà Điểm bán theo mâm trang trí sẵn với giá từ 300.000 – 1 triệu đồng/mâm tùy mẫu.