Nuôi dạy con cái luôn là một trong những nhiệm vụ đầy thách thức mà bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng phải trải qua. Không chỉ là việc cung cấp nhu cầu vật chất, việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng nhân ái và khả năng hiểu biết sâu sắc về tâm lý lứa tuổi để có thể hướng dẫn con trẻ trên con đường trưởng thành.

Mới đây, trong một group của phụ huynh Hà Nội, một người mẹ đã tâm sự về câu chuyện của con mình. Ngay từ mở đầu bài viết, người mẹ này đã tự nhận mình là một người mẹ… thất bại trong việc dạy dỗ con cái. Vào lớp 10 chưa lâu, mà phụ huynh này đã được mời lên trường gặp giáo viên 3 lần vì sự nghịch ngợm của con. Đi học thì con không tập trung nghe giảng, không chép bài, thậm chí còn tỏ thái độ bất cần, vô lễ với giáo viên. Chính người mẹ này còn phải thốt lên “thật sự rất thương thầy cô” vì những hành động nông cạn của con.

Đáng nói là không chỉ lên cấp 3, con mới như vậy mà ngay từ những ngày tháng cấp 2, vị này cũng không ít lần “muối mặt” vì con. Đỉnh điểm, gia đình phải chuyển trường cho con, nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đó.

“Khi con học lớp 9 mới thật sự là cực hình với gia đình em. Mỗi lần bố nói chuyện với con, thì con chẳng nghe lời, thậm chí cãi lại rồi bỏ đi, 11h đêm mẹ lại mò mẫm đến nhà các bạn hỏi xem có biết con ở đâu không, cuối cùng thì tìm thấy con trong quán game”, người mẹ chia sẻ.

Người mẹ này chia sẻ lúc nào cũng yêu thương và dành cho con những điều tốt nhất, vậy mà con không hiểu tấm lòng của bậc làm cha làm mẹ. Trước sự nổi loạn của con, phụ huynh cũng làm đủ cách từ nói nhỏ nhẹ động viên, đến đánh mắng nhưng con không chịu thay đổi.

“Mẹ chỉ mong một ngày nào đấy con nghĩ đến công sức của mẹ mà thay đổi để mình tốt hơn. Nhưng không, càng ngày em càng thấy con rất vô ơn, coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ mẹ phải làm phải cho con. Cứ bắt đầu nói chuyện với mẹ là xin mua nọ mua kia, rồi xin tiền đủ kiểu. Thật sự em buông đây, mệt mỏi quá rồi. Xin lỗi xã hội vì chưa dạy được con trở thành công dân tốt”, người mẹ bất lực nói.

Bên dưới phần bình luận, ai cũng đồng cảm trước câu chuyện của phụ huynh này. Con cái chưa ngoan ngoãn, người buồn nhất không ai khác chính là cha mẹ. Đôi khi chẳng cần con phải trở thành những người “phi thường”, chỉ cần con ngoan ngoãn, hiểu chuyện đã là món quà lớn nhất của cha mẹ rồi.

– Đọc những lời mẹ viết mà nước mắt mình chảy xuống thành dòng, cố gắng lên mẹ! Thương mẹ quá, thôi hãy nghĩ cha mẹ sinh con trời sinh tính cho mọi thứ nhẹ nhàng đi.

– Đọc bài mẹ mà nước mắt cũng tuôn rơi, cảm thông nỗi lòng người mẹ. Mong con của mẹ sẽ thay đổi tích cực hơn.

– Mẹ ơi đừng buông xuôi nhé, mẹ hãy bình tâm lại và vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mẹ cố gắng nhé, mình là cha mẹ, mình không thể buông nổi con mình đâu mà.

– Mẹ cũng đã cố gắng rồi, giờ con đã lớn, biết suy nghĩ nhưng lại chọn sai đường, sai cách. 

– Đúng là giờ áp lực với mọi vai trò. Không còn cách nào khác là phải đối diện với nó. Mong mẹ và con đều vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Mẹ hãy nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh nữa, mọi người sẽ rất vui nếu giúp được đấy ạ.

– Câu chuyện không chỉ riêng ai, đọc mà thấm, đọc rồi cũng mong để lấy bài học cho chính mình. Đừng buông mẹ ạ, buông rồi mất con lúc nào không hay. Đồng hành cùng con, mong con lớn sẽ hiểu mọi chuyện.

Đoạn chia sẻ của phụ huynh Hà Nội khiến nhiều người trăn trở: "Xin lỗi xã hội vì mình chưa dạy được con trở thành công dân tốt"- Ảnh 1.

Ai cũng đồng cảm trước câu chuyện của phụ huynh này. (Ảnh minh họa)

Ở một diễn biến khác, dân tình cũng phân tích những điều chưa đúng trong cách dạy con của người mẹ này. Song song với đó, nhiều lời khuyên cũng được các bậc phụ huynh khác đưa ra.

– Chính vì cái sự “chiều con”, rồi “không cho con làm gì” nên thành ra thế ạ . Đến tuổi dậy thì nói chung, đến 80% các con là ngang bướng và không biết thương bố mẹ, càng chiều thì con càng hư. Bố mẹ nào cũng thương con hết mẹ ạ, nhưng thương phải đúng luật, cho rèn luyện khổ sở thì con mới nên người. Mẹ thử xem, nếu con bị đình chỉ học, cho con đi làm luôn công việc thật nặng nhọc vào, lúc đấy mới thấm được nỗi vất vả của phụ huynh. Còn không thì đúng hết cách thật ạ.

– Cái sai của bạn là luôn dành cho con những điều tốt nhất tới mức vượt quá khả năng của mình, vì như vậy chưa chắc các con đã biết trân trọng và thương những vất vả, cố gắng hay công lao của cha mẹ. Học tập là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, nhưng cũng không phải con đường duy nhất. Nếu bạn ý không học được nữa cũng đừng cố ép con mẹ ạ.

– Thiết nghĩ mẹ nên để con nửa buổi đi học, còn nửa buổi phụ công việc ở một quán ăn hoặc tiệm bán hàng nào đó, lao động sẽ giúp con biết suy nghĩ hơn chăng?

– Mình nghĩ mẹ không nên đưa con vào một khuôn khổ ở tuổi này, mà chỉ là chia sẻ thôi. Mẹ muốn con thay đổi, trước hết mẹ thử thay đổi xem sao. Cố gắng lên mẹ, qua tuổi này rồi cũng sẽ ổn hết thôi. 

Cha mẹ cần làm gì nếu con có những hành vi nổi loạn ở tuổi dậy thì?

Khi con cái bước vào tuổi dậy thì, không ít gia đình phải đối mặt với những thách thức khi các em bắt đầu bộc lộ những biểu hiện nổi loạn. Đây là giai đoạn mà các em muốn khẳng định bản thân và mong muốn một sự tự do cá nhân, thường xuyên xung đột với cha mẹ về quyền lợi và giới hạn. Cha mẹ không nên hoảng sợ, mà cần phải kiên nhẫn, lắng nghe và tiếp cận con cái bằng tình yêu thương của mình.

Việc đầu tiên mà cha mẹ nên làm là thể hiện sự đồng cảm và cố gắng hiểu những thay đổi tâm lý lẫn thể chất mà con đang trải qua. Hãy tạo ra một không khí gia đình mở cửa, nơi con cái có thể tự do bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không sợ bị phán xét hay từ chối. Sự chấp nhận và động viên từ cha mẹ sẽ giúp con cảm thấy được an toàn và tin tưởng để chia sẻ nhiều hơn.

Đồng thời, cha mẹ cần đặt ra những giới hạn rõ ràng và công bằng. Kỷ luật không phải là hình phạt, mà là cách để hướng dẫn con cái học cách tự kiểm soát và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Việc đặt ra quy tắc và giới hạn sẽ giúp con hiểu rằng mỗi hành động đều có hậu quả và cần phải suy nghĩ trước khi hành động.

Đoạn chia sẻ của phụ huynh Hà Nội khiến nhiều người trăn trở: "Xin lỗi xã hội vì mình chưa dạy được con trở thành công dân tốt"- Ảnh 2.

Khi con cái bước vào tuổi dậy thì, không ít gia đình phải đối mặt với những thách thức khi các em bắt đầu bộc lộ những biểu hiện nổi loạn. (Ảnh minh họa)

Quan trọng không kém, cha mẹ cũng cần phải là tấm gương về thái độ và hành vi cho con. Con cái thường học hỏi qua quan sát, và sự nổi loạn cũng có thể là phản ứng đối với những gì chúng nhận thấy trong môi trường gia đình. Hãy thể hiện sự kiên định, tích cực và hướng đến giải quyết mâu thuẫn bằng cách thảo luận và đối thoại.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích các hoạt động tích cực như vận động thể chất, tham gia các câu lạc bộ hay tổ chức, nơi con có thể phát triển kỹ năng xã hội và tìm kiếm sở thích cá nhân. Việc này giúp các em học cách thể hiện bản thân một cách lành mạnh và xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè và người xung quanh.

Cuối cùng, cha mẹ cũng cần chú ý đến sức khỏe tâm thần của con. Nếu thấy con có dấu hiệu trầm cảm, lo âu hay rối loạn ăn uống, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý. Việc can thiệp kịp thời có thể giúp con vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này một cách nhẹ nhàng hơn.

Cha mẹ cần nhớ rằng, tuổi dậy thì là một giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành. Với sự hỗ trợ và hiểu biết, cha mẹ có thể giúp con cái vượt qua giai đoạn này và phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tổng hợp