×

Vé mời xem “Táo quân” được rao gần giá các show “Anh trai”

Vé mời xem “Táo quân” được rao gần giá các show “Anh trai”

Ngay từ khi có thông tin chính thức chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2025 phát sóng tối 29 Tết, nhiều người đã bắt đầu săn vé xem chương trình.

Vé xem ghi hình trực tiếp Táo quân đều do Ban tổ chức phát dưới dạng vé mời, vì vậy, để sở hữu vé thì người xem cần được tặng hoặc mua lại từ người sở hữu vé.

Điều đặc biệt ở Táo quân: Sốt vé như Anh trai, 1 tỷ đồng/1 phút quảng cáo - 1

Các nhóm mua, bán vé “Táo quân 2025” mọc lên như nấm (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến trước ngày 12/1, một cặp vé Táo quânđược rao giá “chợ đen” từ 1 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Có trường hợp rao giá 10 triệu đồng/cặp.

Mức giá này gần tương đương vé show Anh trai vượt ngàn chông gai, giá chính thức 800.000 đồng – 8 triệu đồng/vé, show Anh trai say hi giá 500.000 đồng – 10 triệu đồng/vé. Tính đến thời điểm hiện tại, giá vé Táo quân 2025 được rao bán mềm hơn so với năm 2024 (dao động 12-14 triệu đồng/cặp).

Trên các hội nhóm Facebook, phần lớn người rao bán đều yêu cầu đặt cọc để giữ vé. Có người đòi cọc đến 50% vé, đồng thời cảnh báo, càng gần ngày ghi hình thì giá vé càng tăng, nếu chậm chân sẽ không còn cơ hội.

“Hiện, Ban tổ chức chưa công bố ngày ghi hình chính thức mới có giá này. Một vài ngày nữa, sát ngày ghi hình giá vé sẽ tăng cao hơn. Mỗi vé sẽ tăng thêm 1-2 triệu đồng”, một người bán vé chia sẻ.

Song song với đó, có những tài khoản cảnh báo và tự nhận “nhóm phe vé tụi mình chưa ai có vé nên những lời mời hay đặt cọc đều là lừa đảo. Bọn mình chỉ giao dịch trực tiếp vé cứng, không nhận cọc của ai. Lưu ý, Facebook khóa trang bảo vệ là lừa hết”.

Trước việc “vé chợ đen” tràn lan trên các trang mạng, hội nhóm săn vé xem ghi hình Táo quân 2025, mới đây NSND Tự Long đã phải lên tiếng trên trang cá nhân.

Anh viết: “Từ khi râm ran tin tức Táo quân Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ trở lại vào tối 29 Tết, cả làng trên xóm dưới nhao nhao săn vé như đi hội.

Trên mạng xã hội, các “chợ vé” mọc lên như nấm, người bán kẻ mua nườm nượp, tương tác còn nhiều hơn cả báo cáo của các Táo cộng lại. Và giá vé thì ôi thôi, nó tràn lan như ma trận: Từ 1 triệu đồng đến 7 triệu đồng/cặp tùy vị trí. Đặc biệt, muốn giữ chỗ ngon phải đặt cọc trước.

Nhưng khổ nỗi, Ban tổ chức – Đài truyền hình Việt Nam, đến giờ vẫn chưa xác nhận lịch ghi hình chính thức. Vé Táo quân không phải cứ ai rao là có đâu. Muốn mua thì phải kiểm tra thông tin chính thống, tránh rơi vào cảnh Tết đến mà trong lòng toang như Táo Kinh tế mất sổ gạo nhé”.

Điều đặc biệt ở Táo quân: Sốt vé như Anh trai, 1 tỷ đồng/1 phút quảng cáo - 2

Qua hơn 20 năm, “Táo quân” vẫn tạo được sức hút lớn và quan tâm của khán giả (Ảnh: VTV).

Tiền tỷ mỗi phút quảng cáo

Nhiều năm nay, kinh phí quảng cáo trên sóng chương trình Táo quân đều được ghi nhận ở mức cao. Từ năm 2022, giá quảng cáo 30 giây đều đạt trên mức 640 triệu đồng.

Theo Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, năm 2024, bảng giá quảng cáo trong chương trình Táo quân được ấn định lần lượt: 10 giây giá 322 triệu đồng; 15 giây giá 378 triệu đồng; 20 giây giá 484 triệu đồng; 30 giây giá 645 triệu đồng.

Như vậy, nếu thương hiệu nào muốn xuất hiện khoảng 1 phút trong chương trình Táo quân 2024 sẽ phải chi ít nhất gần 1,3 tỷ đồng. Mức giá trên chưa bao gồm thuế GTGT.

Trong chương trình Táo quân 2022 và Táo quân 2023, nhãn hàng “chịu chi” nhất là một ngân hàng khi “chiếm sóng” quảng cáo với thời lượng 140 giây (2,3 phút) ở 2 năm. Dựa theo bảng giá năm 2023 do TVAd thông báo, ngân hàng này phải chi ít nhất khoảng 3 tỷ đồng để xuất hiện trong chương trình.

Doanh thu quảng cáo trong Táo quân cũng thường xuyên đạt mức gần 30 tỷ đồng, cụ thể, năm 2021 đạt gần 27 tỷ đồng, năm 2023 khoảng 28 tỷ đồng. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Táo quân đối với các nhãn hàng, bất chấp chi phí cao.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, con số trên cho thấy sự ổn định và mức độ quan trọng của chương trình này trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo tại Việt Nam.

Ông Long đánh giá, dù có những biến động nhỏ về doanh thu qua các năm nhưng tổng thể, chương trình vẫn duy trì được sức hút lớn đối với các nhà quảng cáo.

Sự ổn định này không chỉ phản ánh giá trị của Táo quân như một phần không thể thiếu trong văn hóa Tết của Việt Nam, mà còn cho thấy khả năng của chương trình trong việc thu hút khán giả, đặc biệt là vào dịp giao thừa.

“Đối với các nhà quảng cáo, đây là thời điểm vàng để tiếp cận một lượng lớn khán giả, điều này giải thích cho mức giá cao và doanh thu ổn định từ quảng cáo của chương trình.

Nhìn chung, dù thị trường quảng cáo có nhiều biến động, Táo quân vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ.

Điều này không chỉ chứng tỏ giá trị thương mại của chương trình mà còn phản ánh sự kết nối mạnh mẽ giữa chương trình và người dân Việt Nam”, ông Long khẳng định.

Ông Long phân tích thêm, giả sử 30% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 30 triệu người, xem Táo quân. Khi chia doanh thu quảng cáo 30 tỷ đồng cho 30 triệu người, chi phí tiếp cận mỗi người là 1.000 đồng.

“Đây là một con số khá hợp lý khi xét đến giá trị thương hiệu của Táo quân – một chương trình được mong đợi và yêu thích hằng năm. Sự kết hợp giữa độ phổ biến cao và vị thế đặc biệt của chương trình trong văn hóa Tết ở Việt Nam làm tăng giá trị của quảng cáo trên nền tảng này”, ông Long nói.

Theo chuyên gia này, xét về mặt kinh tế và thương hiệu, 1.000 đồng cho mỗi lần tiếp cận người xem không phải là con số cao, đặc biệt khi so sánh với tầm ảnh hưởng và sự kết nối mà Táo quân có với khán giả.

Nếu có đủ nguồn lực, đầu tư vào quảng cáo trong chương trình này có thể là một quyết định tốt, đặc biệt khi muốn tạo ấn tượng mạnh mẽ và đạt được độ phủ sóng rộng rãi.

Điều đặc biệt ở Táo quân: Sốt vé như Anh trai, 1 tỷ đồng/1 phút quảng cáo - 3

Từ trái sang: Táo Kinh tế (Quang Thắng), Táo Y Tế (Vân Dung), Táo Xã hội (Tự Long), Táo Giao thông (Chí Trung) và “Nam Tào” Xuân Bắc trong chương trình “Táo quân 2023” (Ảnh: VFC).

NSND Tự Long: “Anh tài” nhiều vai nhất và những ca khúc đặc biệt

Qua hơn 20 năm phát sóng, trong khi các nghệ sĩ khác gắn liền với một vai diễn thì NSND Tự Long lại đảm nhận rất nhiều vai khác nhau: Từ Táo Thoát nước, Táo Văn hóa giáo dục, Táo Xã hội, Táo Thể thao, Táo Thổ địa, Táo Giao thông, Táo Mạng… đến những vai Táo “lạ”.

Có khi đến gần cuối, có một Táo mới phát sinh thì anh sẽ đóng vai Táo đó.

Xuất thân là diễn viên chèo nên thế mạnh của NSND Tự Long là hát. Mùa “Táo” nào, nam nghệ sĩ cũng có những màn “khoe giọng”, tạo dấu ấn với những bản nhạc chế. Trong đó, phải kể đến như: Chiếc khăn piêu, Bống bống bang bang Vợ người ta ở các năm từ 2013-2017.

Điều đặc biệt là sau đó khi tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, diễn viên gốc Bắc Ninh cũng tham gia hát lại cả ba ca khúc này ở bản phối mới.

NSND Tự Long hát chế “Chiếc khăn piêu” trong chương trình “Táo quân 2013” (Video: YouTube).

Vân Dung: Nghệ sĩ nữ góp mặt nhiều nhất

Vân Dung là nghệ sĩ nữ có số lần góp mặt ở Táo quân nhiều nhất và gần như liên tục (chỉ trừ năm 2024) kể từ khi chương trình lên sóng năm 2003.

Thời điểm Táo quân 2003 lên sóng, Vân Dung được giao trọng trách với vai Táo xã hội. Sau đó, nữ nghệ sĩ đảm nhận nhiều vai khác nhau như: Táo Y tế, Táo Giáo dục, Táo Kinh tế, Táo Điện lực, Táo Dân sinh…

Vân Dung chia sẻ, hơn 20 năm đóng Táo quân nhưng với chị, vai thành công và chị thích nhất là Táo Y tế.

Năm nay, chị trở lại chương trình Táo quân cùng những gương mặt quen thuộc khác như: NSND Quốc Khánh, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng.

Chia sẻ trong chương trình VTV Kết nối mới đây, Vân Dung nói: “Lớp già chúng tôi trở lại sẽ mang một làn gió mới và hy vọng rằng, tất cả công sức chúng tôi đổ ra trong 1 tháng sẽ là những tinh hoa, tinh túy nhất gửi đến khán giả”.

Điều đặc biệt ở Táo quân: Sốt vé như Anh trai, 1 tỷ đồng/1 phút quảng cáo - 4

Hàng loạt gameshow truyền hình ăn khách từng được xuất hiện trong chương trình “Táo quân”. Trong ảnh là “Vòng quay tham nhũng” năm 2016 chế từ “Chiếc nón kỳ diệu” (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhiều gameshow được “điểm danh” trong “Táo quân”

Trong chương trình Táo quân, nhiều format (kịch bản) chương trình giải trí nói chung và chương trình giải trí của VTV nói riêng đã được ứng dụng để mở cuộc thi cho các Táo.

Nổi bật có thể kể đến như: Cuộc thi Hoa Táo của Táo quân 2009 (kịch bản dựa theo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam); Năm 2011 là Táo Idol (chế theo chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam – Vietnam Idol); Táo quân 2013 lấy theo format chương trình Giọng hát Việt; Năm 2015 với Ai là triệu phú và Vòng quay tham nhũng trong Táo quân 2016 chế từ chương trình Chiếc nón kỳ diệu

Đây là một trong những nội dung được khán giả yêu thích nhất mỗi mùa Táo quân. Các cuộc thi thường tạo ra những tình huống trớ trêu, chỉ ra các khiếm khuyết trong các ngành cũng như các vấn đề nổi cộm, cần khắc phục trong năm đã qua.

Bên cạnh các format quen thuộc, Táo quân còn nổi bật với những bài hát chế, các câu thoại bắt trend (xu hướng) dễ gây sốt, tạo hiệu ứng truyền miệng trong cộng đồng và trên mạng xã hội.

Các bản phát lại thường xuyên đạt được hàng trăm ngàn, thậm chí hơn 10 triệu lượt xem chỉ riêng trên nền tảng YouTube. Các đoạn cắt ngắn trích riêng tình huống, các câu chuyện trên mạng xã hội cũng nhận sự quan tâm và tương tác cao, cho thấy sức hút lớn của Táo quân.

Related Posts

Our Privacy policy

https://kenhtina.com - © 2025 News