Thu nhập từ dạy thêm của cô Ngân khoảng 40-50 triệu đồng mỗi tháng, nhưng nếu không được thu tiền học sinh chính khóa, mức này giảm 80%, khiến cô thấy hụt hẫng.
“Cho dạy mà không được thu tiền thì không khác gì cấm”, cô Nguyễn Thị Ngân, giáo viên Ngữ văn tại một trường THCS ở quận 1, TP HCM, bày tỏ.
Ít ngày trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư về dạy thêm, học thêm. Theo đó, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường. Đây là một trong những điểm mới vì quy định cũ cho phép thầy cô được dạy thêm bên ngoài với học sinh của mình, nếu được hiệu trưởng đồng ý.
Cô Ngân cho biết trước đây, cô cũng dạy ở trung tâm, nhưng thu nhập bị chia một nửa hoặc chỉ được trả công theo giờ, bất kể số lượng học sinh. Cảm thấy không thỏa đáng, cô tự thuê địa điểm mở lớp, sau đó chuyển về dạy tại nhà. Hiện, thu nhập từ dạy thêm của cô khoảng 40-50 triệu đồng, gấp nhiều lần lương ở trường.
Học sinh của cô ở lớp học thêm hầu hết đến từ lớp chính khóa. Theo quy định mới, cô sẽ không được thu học phí của những em này, sụt giảm khoảng 80% thu nhập.
“Rõ ràng thông tư mới theo hướng không quản được thì cấm, thay vì tạo điều kiện để giáo viên được dạy thêm một cách đàng hoàng như Bộ nói”, cô nhìn nhận.
Cô Thu Hà, giáo viên lớp 2 ở Phủ Lý, Hà Nam, chung suy nghĩ. Sau 5 năm đi dạy, cô hưởng lương 6 triệu đồng một tháng ở trường, không đủ sống với cặp vợ chồng viên chức có con nhỏ.
Vì vậy, cô thuê một phòng gần trường, dạy thêm 15 học sinh vào hai buổi mỗi tuần. Với học phí 50.000 đồng/buổi, trừ một triệu đồng thuê nhà, cô Hà thu về 5 triệu đồng mỗi tháng, giúp san sẻ gánh nặng tài chính với chồng.
Cũng như cô Ngân, khoảng 90% học sinh tới lớp học thêm của cô Hà là từ lớp chính khóa. Theo cô, việc dạy thêm học sinh trên lớp có nhiều thuận lợi, như có thể nắm bắt được lực học, lượng kiến thức các em đã học trên lớp để hướng dẫn cho phù hợp.
“Giờ ngay cả khi phụ huynh có nhu cầu, chúng tôi cũng không được thu tiền nữa hay sao? Giáo viên bỏ thời gian, công sức dạy học sinh, nhưng phải miễn phí trong khi lương không đủ nuôi con. Như vậy có công bằng cho chúng tôi?”, cô Hà nêu vấn đề.
Trong nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP HCM hồi tháng 11/2024, hơn 63% trong số 12.500 giáo viên nói muốn được hợp pháp hóa việc dạy thêm, gồm cả dạy ở nhà và dạy online để tăng thu nhập chính đáng. Thầy cô cho biết dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, thu nhập từ nghề giáo chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình.
Giáo viên phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 cho thí sinh tại điểm thi trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh minh họa: Quỳnh Trần
Không ít người cảm thấy quy định mới về dạy thêm là vô lý. Khảo sát VnExpress thực hiện với gần 8.000 độc giả, 46% cho rằng việc cấm giáo viên thu tiền của học sinh chính khóa là không hợp lý và cần quản lý dạy thêm bằng cách khác.
Các giáo viên nói quy định này sẽ làm giảm động lực phấn đấu, khiến thầy cô cảm thấy bị phân biệt đối xử so với nhiều ngành nghề khác khi không thể kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động và chuyên môn của mình. Về phía học sinh, các em cũng sẽ thiệt thòi nếu có nhu cầu học nhưng thầy cô không dạy, vì không được thu tiền.