Kinh tế khó khăn nên người vợ trẻ dự định chỉ bỏ lì xì Tết 10.000 đồng tặng cho các cháu nhưng liền bị người chồng sĩ diện gay gắt phản đối.
Ảnh minh hoạ
Tặng lì xì Tết là một phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán nhưng cũng khiến nhiều người thấy đau đầu, đặc biệt là chuyện lì xì cho trẻ. Đặc biệt, sau một năm làm việc kinh tế khó khăn, thì chuyện lì xì bao nhiêu cho hợp lí và phù hợp với kinh tế gia đình lại khiến nhiều cặp vợ chồng tranh cãi.
Dường như việc lì xì đã không còn giữ được ý nghĩa vẹn nguyên vốn có của nó. Người lớn lì xì cho trẻ nhỏ mong hay ăn, chóng lớn, học giỏi. Còn con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ thể hiện lòng biết ơn, cầu chúc năm mới nhiều sức khỏe, an lành.
Thế nhưng, ngoài hình thức thì nhiều trường hợp dù là người tặng hay người nhận lì xì Tết chỉ chăm chú mở xem “ruột” được bao nhiêu tiền.
Những ngày sát Tết, một người vợ trẻ đã chia sẻ câu chuyện của gia đình khi dự định chỉ bỏ bao lì xì 10.000 đồng cho mỗi cháu ở quê nhưng đã bị chồng dội cho gáo nước lạnh.
Người mẹ trả chia sẻ, “Năm nay đúng là kinh tế buồn. Tết năm nay mình chẳng muốn về quê chồng ăn Tết mà chỉ muốn ở lại phòng trọ, có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Chứ tết về đủ thứ tiền lo lắng, mua thịt cá đuề huề rồi ra Tết lại nai lưng trả nợ hoặc ăn mì gói…
Giờ mà lì xì 10k/cháu ở quê ít lắm mọi người nhỉ? Mình cũng thấy ngại nhưng nghĩ đến các cháu thì đông, họ hàng nhiều mình lại sợ. Năm ngoái chỉ riêng tiền lì xì đã ngót nghét 4 triệu( lúc đó mình bầu). Năm nay có con nhỏ rồi nhưng nhà anh chị họ hàng đông con, nhà mình chỉ có 1 đứa….
Mình cũng không muốn làm chồng xấu hổ nữa, nhưng bế tắc quá cả nhà ơi”.
Kèm theo đó là dòng tin nhắn trao đổi qua lại giữa hai vợ chồng. Ngay khi người vợ đề xuất việc chỉ bỏ bao lì xì 10.000 đồng thì người chồng đã gạt ngay đi và quả quyết cho rằng ít nhất phải là 50.000 đồng.
Người chồng không chỉ ngại việc bị bị họ hàng làng xóm chê cười mà còn cho rằng 10.000 đồng còn không đủ mua bát bánh đa hay chưa bằng tiền ăn sáng của bọn trẻ.
Uất ước trước sự sĩ diện của chồng mà không nhìn lại tình hình kinh tế của gia đình thời điểm hiện tại. Người vợ đã liệt kê ra những khoản thu chi của cả nhà.
“Vấn đề là cả năm nay anh thất nghiệp, em đi làm lương 7 triệu/tháng, Tết thưởng 7 triệu. Biếu nội ngoại, con cái học hành, sắm Tết nhà mình.
Đến cả con mình còn không có nổi tấm áo mới? Vậy thì sĩ diện để làm gì? Thà lì xì ít lại còn dư được mua cho con cái áo. Chứ họ nhà anh, ai cũng 2-3 đứa, rồi cháu hàng xóm qua chơi cũng lì xì, các ông các bà lớn tuổi… Anh có nghĩ đến em và con không? Hay chỉ quan tâm đến sĩ diện của anh”.
Không rõ cuối cùng hai vợ chồng giải quyết và thống nhất câu chuyện lì xì ra sao nhưng có lẽ chuyện biếu Tết, lì xì Tết bao nhiêu cho hợp lí cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.
Câu chuyện trăn trở của người vợ trẻ sau khi được chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Nhiều người cũng đưa ra lời khuyên cho người phụ nữ cho rằng việc lì xì chỉ là tạo niềm vui cho con trẻ nên không cần quá đặt nặng việc bỏ ruột bao nhiêu. Đồng thời, nhiều người cũng chê trách tính sĩ diện của người chồng khi là người đàn ông của gia đình mà lại không xoay xở tìm việc làm gánh vác gia đình mà lại để mình vợ lo toan cả năm trời.
“Ưu tiên con số 1 chứ. Nói thẳng nếu là mình thì mình mừng tuổi luôn, hoặc chỉ mừng tuổi cháu ruột thịt thôi. Cũng muốn đẹp mặt với nhà chồng nhưng cũng phải nhìn xem kinh tế nhà mình có dư dả không chứ. Bao giờ chồng kiếm được tiền, lo cho vợ con đàng hoàng, rủng rỉnh tiền bạc thì muốn lì xì sao cũng được”, bạn K.A.T chia sẻ.
“Nói đến chuyện về quê. Chỗ mình sao người ta cứ mặc định đi miền Nam làm là lắm tiền lắm hay sao ý. Mỗi lần về mà không có quà, tiền biếu xén là tập trung lại bàn luận này nọ. Bảo đi xa mà không có quà, không có tiền mua cho bộ quần áo này nọ… Mỗi lần về quê tiền biếu xén, quà mình muốn mệt mỏi chưa tính tiền cho các cháu. Về đúng dịp Tết thì thôi rồi, họ hàng 200 nhà, chưa tính con cháu, hàng xóm bên cạnh. Không về quê thì nhớ quê, nhớ nhà. Về quê, cả năm tích cóp được nhiêu đồng quà cáp, biếu xén, vé đi về là mất toi…”, một bạn khác đồng cảm.
Nhiều người cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của Tết Nguyên đán vẫn là dịp để gia đình được sum vầy, đoàn viên và mừng tuổi chỉ là để lấy lộc may mắn đầu năm. Đó là điều mà người lớn cần gieo vào lòng con trẻ. Vậy nên lì xì bao nhiêu có lẽ chẳng còn quan trongm quan trọng là cả nhà đều bình an, vui vẻ trong năm mới!
Theo Đời sống pháp luật