Nước sông Hồng đang dâng lên rất cao, cùng với mưa lớn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia đã có cảnh báo ngập lụt tại Hà Nội vào sáng 10/9/2024. Theo đó, nhiều tuyến phố nội thành có nguy cơ ngập với độ sâu phổ biến từ 10-20 cm, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn 25 cm…

Nước sông Hồng đang dâng lên rất cao.Nước sông Hồng đang dâng lên rất cao.

Do nước lũ sông Hồng lên gần tới mặt cầu Chương Dương, sáng 10/9/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo hạn chế xe qua Cầu Chương Dương. Cụ thể, hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ; cấm ôtô tải trên 0,5 tấn; xe buýt được chạy bình thường. Hướng từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: cấm xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải trên 0,5 tấn; xe buýt được qua cầu. Xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ và ôtô tải trên 0,5 tấn lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

NGUY CƠ NGẬP LỤT Ở NỘI THÀNH HÀ NỘI

Theo Sở Giao thông Vận tải, việc cấm một số xe để đảm bảo an toàn cho người và xe. Ảnh hưởng của bão Yagi các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu cầu. Cầu Chương Dương được xây từ năm 1983, sử dụng từ tháng 6/1985, đến nay đã 39 năm. Từ năm 1985 đến 2010, đây là cầu độc đạo cho ôtô đi từ trung tâm Hà Nội sang Gia Lâm, kết nối với các tỉnh phía Bắc. Hiện mỗi ngày, cầu có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, hơn 8 lần so với thiết kế.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo khẳng định, cầu Chương Dương đã xuống cấp nhưng vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, cơ bản hoạt động bình thường. Từ khi thành phố nhận quản lý, Sở và các đơn vị liên quan đã hai lần kiểm định cầu vào năm 2013 và 2021. Kết quả cho thấy cầu chính vẫn bảo đảm chịu lực.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia đã có cảnh báo ngập lụt tại Hà Nội vào sáng 10/9/2024. Theo đó, Cảnh báo đợt mưa do hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 10-20 cm. Đáng chú ý, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn 25-30 cm.

 Những đường phố có khả năng ngập sâu: 

 Quận Tây Hồ: Thụy Khuê, Dương Quảng Hàm, Phú Xá…

Quận Ba Đình: Thành Công, Huỳnh Thúc Kháng, La Thành, Liễu Giai, Điện Biên Phủ, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Nguyễn Trường Tộ…

Quận Hoàn Kiếm: Phùng Hưng, Liên Trì-Nguyễn Gia Thiều, ngã tư Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, phố Đinh Liệt, phố Nguyễn Siêu-ngõ Gạch, Tông Đản, ngã tư Quang Trung – Trần Quốc Toản, Thợ Nhuộm, Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Quán Thánh, ngã ba Đường Thành – Hàng Nón.

Quận Đống Đa: Bùi Xương Trạch, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Kim Liên…

Quận Thanh Xuân: Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, Quan Nhân – Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Khoang, đường Tố Hữu (đoạn từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn)…

Quận Hai Bà Trưng: Nguyễn Khoái, Lạc Trung, Mạc Thị Bưởi, Hàng Chuối, Trần Xuân Soạn, Thanh Nhàn, Yec-xanh.

Quận Cầu Giấy: Ngã tư Dương Đình Nghệ – Nam Trung Yên (phía sau tòa nhà Keangnam), Hoàng Quốc Việt (gần Đại học Điện lực), Phan Văn Trường, Phùng Chí Kiên, Trần Bình, phố Hoa Bằng.

Quận Hoàng Mai: Thịnh Liệt, đường Đền Lừ, đường Hoàng Mai, phố Vĩnh Hưng, Trương Định, Lĩnh Nam, Định Công.

Quận Nam Từ Liêm: phố Đỗ Đức Dục, phố Phùng Khoang, hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long.

Quận Hà Đông: Phố Triều Khúc, đường Quyết Thắng, Tô Hiệu, Yên Nghĩa…

VẬN HÀNH HƠN 300 TRẠM BƠM TIÊU ÚNG

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội có báo cáo do Giám đốc Sở Nguyễn Xuân Đại ký, cho biết toàn Thành phố hiện đang gieo trồng khoảng 93.138ha cây hàng năm (72.058ha lúa, hiện nay đang giai đoạn làm đòng – chín sáp, thời gian thu hoạch lúa tập trung dự kiến từ 25/9-05/10/2024; 21.080ha rau màu, đã thu hoạch khoảng 9.064 ha chiếm 43% diện tích) và 20.339,4ha cây ăn quả. Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 22.600ha.

Ngành nông nghiệp Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng vận hành 324 trạm bơm với công suất khoảng 4.000.000m3/giờ cho các kịch bản mưa; triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước để đảm bảo phòng lũ cho 89 hồ chứa thủy lợi; chủ động vận hành trạm bơm tiêu nước đệm trên toàn hệ thống.

Hệ thống tiêu thoát nước khu vực đô thị: Đã thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch với diện tích 77,5km2. có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ mưa theo thiết kế 300mm/2ngày đối với toàn bộ hệ thống, 70mm/h đối với hệ thống cống.

Cập nhật tình hình thiệt hại thiệt hại về người do bão số 3 và mưa lũ sau bão, đã làm 4 người thiệt mạng (trên địa bàn Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Chương Mỹ và cầu Giấy). Trên địa bàn Thành phố có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm,… Cây đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông hư hỏng, cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Thành phố Hà Nội đã huy động  573 cán bộ, 80 phương tiện, 200 cái cưa của các đơn vị cây xanh cùng sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan và tối đa lực lượng tại chỗ của địa phương khẩn trương giải tỏa dứt điểm các cây đổ, cành gãy đảm bảo giao thông và sinh hoạt cho Nhân dân

Ngoại thành Hà Nội bị ngập 2.243ha lúa, 1.250ha rau màu, 1.185ha cây ăn quả, hoa, cây hàng năm và 257 ha thủy sản; gẫy, đổ, dập nát, ảnh hưởng khoảng 24.361ha lúa; 3.307ha rau màu; 33.117ha cây ăn quả, hoa, cây hàng năm và 151ha thủy sản.

Các công ty Thủy lợi tăng cường triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập ngoại thành, hiện đang vận hành 203 trạm bơm tiêu với 776 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.349.580 m3/giờ. Đồng thời, huy động lực lượng khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ trong nội thành với khoảng 2416 người; 323 phương tiện; 139 thiết bị bơm hút chống ngập.