‘Tôi đổ xăng trả tiền bằng chuyển khoản, nếu không được dùng điện thoại thì làm sao thanh toán?’.
“Cây xăng là một trong những nơi dễ cháy nổ. Nếu đề xuất ‘phạt 3-5 triệu đồng với hành vi mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào nơi có quy định cấm liên quan phòng cháy’, vậy người đổ xăng mang điện thoại bên người và nhân viên đổ xăng bỏ điện thoại vào túi thì sao? Tôi đổ xăng trả bằng chuyển khoản thì không dùng điện thoại trả bằng gì? Nhân viên đổ xăng khi rảnh ngồi xem điện thoại tại cây xăng sẽ xử lý thế nào?”.
Đó là những thắc mắc của độc giả Trasua xung quanh đề xuất mới của Bộ Công an – tăng 30 lần tiền phạt khi mang điện thoại vào khu vực cấm về phòng cháy. Tại nghị định 144/2021 đang có hiệu lực, người có các hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng.
Có cùng băn khoăn về tính khả thi của đề xuất này, bạn đọc Khangthinh đặt dấu hỏi: “‘Khu vực cấm về phòng cháy’ theo tôi hiểu là nơi được gắn biển ‘cấm lửa’. Tôi không hút thuốc nên không sử dụng bật lửa. Tuy nhiên, điện thoại di động thì lúc nào tôi cũng mang theo người. Cây xăng là nơi có biển cấm lửa, vậy khi đổ xăng tôi biết bỏ điện thoại ở đâu? Điện thoại mang vào cây xăng được hiểu là nguồn cháy nổ vì xài pin, vậy ắc quy, sạc dự phòng, pin, xe điện sạc tại cây xăng có được hiểu là nguồn nguy hiểm gây cháy không?”.
Cũng liên quan đến dự thảo lần 2 Nghị dịnh quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, có đề xuất người không tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Vấn đề này cũng gây nhiều khó hiểu. Độc giả Khachuyle bình luận: “Tôi không được đào tạo về nghiệp vụ cứu hộ cứu nạn thì có quyền từ chối hoặc giúp trong khả năng thôi chứ, sao lại phạt?”.
“Giả sử lúc ấy tôi đang bị tụt huyết áp, chóng mặt hay bị cảm nhưng không có chứng cứ chứng minh cụ thể, ngày hôm sau mới khỏi. Vậy thì tôi cũng phải nộp phạt vì không tham gia chữa cháy hay sao?”, bạn đọc Hohalod thắc mắc.
Nhấn mạnh cần thiết phải rõ ràng trong quy định, độc giả Người Phản Biện kết lại: “Ra luật là phải rõ ràng, minh bạch, chi tiết, chứ không thể chung chung như vậy được. Có khả năng chữa cháy, cứu nạn là như thế nào? Giả dụ tôi thấy cháy nên lấy nước tạt vào, nhưng do thiếu kiến thức chuyên môn nên vô tình làm lửa bùng phát mạnh hơn. Lúc đó tôi có bị phạt không?”.